Các bậc phụ huynh đều đã làm đúng khi gắp thêm rau vào bát cho những đứa trẻ chỉ thích ăn thịt. Dù chứa rất nhiều protein, chất béo và nhiều khoáng chất như sắt, magie, kali… thịt hoàn toàn không có chất xơ, thiếu hụt một số vitamin quan trọng như axit folic, vitamin C và E.
Chỉ ăn thịt sẽ không thể giúp chúng ta sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện nay có một trường phái ăn kiêng gọi là "carnivore" khuyến cáo chỉ nên ăn thịt và kiêng hoàn toàn carbohydrate (bao gồm cả rau quả). Nhiều người bị hấp dẫn bởi khẩu vị và những lợi ích được quảng cáo từ những người ủng hộ chế độ ăn carnivore, bao gồm giảm mỡ, có nhiều năng lượng, thậm chí chữa được cả bệnh trầm cảm và thấp khớp.
Những người tuân thủ chế độ ăn uống chỉ có thịt tự gọi mình là "bộ lạc", ám chỉ chế độ ăn uống giống với người cổ đại. Một trong số những người ảnh hưởng nhất của "bộ lạc" là Shawn Baker, một bác sĩ người Mỹ nhưng đã bị thu hồi giấy phép y tế vào năm 2017. Nhà tâm lý học người Canada Jordan Peterson và con gái Mikhaila của ông cũng là những người ủng hộ chế độ ăn carnivore. Dù vậy, sự thật Mikhaila chỉ là một người trải nghiệm, không hề có bằng cấp y khoa. Cha của cô là một nhà tâm lý học, nhưng không được đào tạo về dinh dưỡng.
Do đó, khi những người ăn thịt nói rằng "thịt chứa tất cả các chất dinh dưỡng mà chúng ta cần" và "carbohydrate là hoàn toàn xấu đối với cơ thể", đó là những lời nói dối khủng khiếp. Vậy tại sao chúng ta không thể sống khỏe nếu chỉ ăn thịt:
1. Có một số chất dinh dưỡng không thể lấy từ thịt
Cơ thể cần 13 loại vitamin để sống, nhưng thịt không thể cung cấp đủ tất cả. Nếu không ăn rau, cơ thể sẽ bị thiếu hụt axit folic, vitamin C và E. Các loại vitamin chủ yếu chỉ có trong thực vật, nhất là các loại rau lá xanh và hoa quả họ cam quýt. Điều này đã được chứng thực trong suốt thế kỷ 18, những thủy thủ đi biển thường bị rụng răng và viêm chân nướu. Chế độ ăn thịt chủ yếu là cá của họ đã dẫn đến thiếu hụt vitamin C trầm trọng, gây ra bệnh scurvy. Ngoài ra, thiếu hụt vitamin E cũng ảnh hưởng đến sự hoạt động của vitamin K, vì đây là 2 vitamin đối kháng. Do đó, dù có nạp vào cơ thể đủ vitamin K từ cá, gan và thịt bò, cơ thể vẫn sẽ phải đối mặt với các rối loạn liên quan đến vitamin này.
Tiếp theo là vấn đề với chất xơ. Thịt không có chất xơ, một trong những thành phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Chất xơ hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột, những lợi khuẩn sống trong ruột tác động đến mọi thứ từ quá trình tiêu hóa đến hệ miễn dịch và tâm trạng của chúng ta.
Cơ thể cần chất xơ, nhưng chỉ ăn thịt thôi thì không thể có nó. Nhiều người ủng hộ chế độ ăn giàu protein viện dẫn rằng người tiền sử và nhiều cộng đồng thổ dân như người Inuit ở Greenland hiện nay chủ yếu vẫn ăn thịt, nhưng họ vẫn có thể sống tốt. Sự thật là người tiền sử không có tuổi thọ cao, chỉ bằng một nửa so với chúng ta ngày nay. Ngoài ra, người Inuit không chỉ ăn thịt hoàn toàn, họ có ăn các loại quả mọng trong mùa hè. Đồng thời, những loại thịt mà người Inuit ăn cũng rất đặc biệt. Họ ăn da cá voi, giàu vitamin C mà các loại thịt bình thường không thể có.
2. Thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về vấn đề thịt đỏ đã chỉ ra rằng, ăn nhiều thịt đỏ từ lâu đã được liên kết với nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, cùng với ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt. Đồng thời, báo cáo ủng hộ bằng chứng cho rằng, khi được nấu ở nhiệt độ trên 300°F (tương đương 148°C) thịt đỏ sẽ tạo ra một số hóa chất gây ung thư.
Thịt động vật cũng có xu hướng gây ra sự mất cân bằng giữa cholesterol tốt và xấu trong cơ thể (được gọi là HDL và LDL tương ứng). Tất cả chúng ta đều muốn có nhiều cholesterol tốt (HDL), làm nhiệm vụ dọn dẹp cholesterol xấu (LDL) khỏi mạch máu, tác nhân tạo thành mảng bám gây tắc nghẽn. Thịt đỏ làm ngược lại: chúng làm tăng nồng độ cholesterol LDL trong khi giảm cholesterol HDL của cơ thể. Một số loại thịt lành mạnh hơn, như thịt gà hoặc cá có thể khắc phục được nhược điểm của thịt đỏ. Cá cũng là một nguồn thực phẩm cực kỳ tốt cho sức khỏe. Dù vậy, chắc chắn chúng ta không thể chỉ ăn cá và thịt gà đến suốt đời mà không ăn rau.
3. Chỉ ăn thịt không giúp giảm cân bền vững
Đây là lý do tại sao các chế độ ăn như keto có thể giúp giảm cân. Bằng cách gắn bó với một chế độ ăn chỉ có thịt, chúng ta sẽ từ bỏ những bữa ăn vặt thường ngày với khoai tây chiên và các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate khác. Điều này góp phần vào việc giảm lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày. Bên cạnh đó, protein cũng khiến chúng ta no hơn carb, nên mỗi bữa ăn chỉ cần ăn ít hơn để thấy no hơn.
Nếu đang tìm cách giảm cân, giảm lượng calo rõ ràng là một điều tốt, nhưng chúng ta cần phải làm điều đó một cách bền vững. Các nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết mọi người khi mới bắt đầu ăn kiêng sẽ đều giảm được từ 2-3 kg. Nhưng cân nặng chững lại khi họ ngừng ăn kiêng và tăng trở lại sau đó. Vì vậy, việc lựa chọn một chế độ ăn nhiều thịt béo hợp thời như keto có thể không giúp chúng ta trong dài hạn. Nếu muốn giảm cân bền vững, phải chọn một chế độ ăn có thể gắn bó với nó cả đời.
4. Nhưng cũng đừng nên ăn chay nếu muốn tốt cho sức khỏe
Trên đời có khá nhiều chế độ ăn uống cực đoan có vấn đề. Ăn chay cũng là một trong số đó. Dù các thực phẩm có nguồn gốc thực vật rất tốt cho cơ thể, nếu chỉ ăn chay, cớ thể sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng. Ngay cả những người ăn thuần chay, kết hợp nhiều loại thực phẩm đa dạng cũng gặp khó khăn trong việc hấp thụ một số chất dinh dưỡng nhất định, chẳng hạn như vitamin B12, thứ mà cơ thể không hấp thụ tốt từ thực vật.
Nhìn chung, có thể thấy không một chế độ ăn uống nào đạt đến độ hoàn hảo, nếu nó không đảm bảo sự cân bằng. Dù vậy, mọi người vẫn luôn bị hấp dẫn bởi sự hào nhoáng của những chế độ ăn như carnivore và keto. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, nhưng tất cả đều trong mức vừa phải. Và tất nhiên, nếu thích, mọi người vẫn có thể ăn thịt, nhưng nên thêm cả rau và hoa quả vào chế độ ăn mỗi khi có thể.
- Từ khóa :
- Vitamin C
- ,
- Ăn Thịt
- ,
- bệnh tim mạch
Gửi ý kiến của bạn