Khoảng đầu tháng 09/2018, British Airways thông báo website và ứng dụng của hãng đã bị tin tặc tấn công, dẫn đến tê liệt hệ thống trên nhiều sân bay.
Cụ thể, British Airways đã gặp phải sự cố tê liệt hệ thống máy tính khiến cho hàng loạt chuyến bay bị hoãn, nhân viên mặt đất phải làm thủ tục cho hành khách theo cách thủ công. Sự việc được cho là do hacker thực hiện tác động lên website và ứng dụng của hãng hàng không, đồng thời đánh cắp thông tin của hàng nghìn khách hàng. Các thông tin đã bị đánh cắp bao gồm tên tuổi, địa chỉ email và thông tin thẻ tín dụng.
British Airways không tiết lộ các chi tiết kỹ thuật có liên quan đến sự cố và các chuyên gia kỹ thuật đưa ra một số dự đoán về phương thức có thể đã được hacker sử dụng. Trên cơ sở thông cáo của hãng hàng không, Alan Woodward, Giáo sư an ninh mạng thuộc Đại học Surrey phân tích: “Theo British Airways, thời gian cụ thể diễn ra cuộc tấn công trong khoảng 22:58 giờ hè Anh, ngày 21/08/2018 tới 21:45 giờ hè Anh, ngày 05/09/2018. Họ đã rất cẩn trọng chỉnh sửa câu chữ trong tuyên bố, nhằm nhắc nhở những khách hàng đã tiến hành giao dịch thanh toán bằng thẻ trong thời gian trên cần thận trọng. Dường như hacker đã nhúng tay vào website của hãng hàng không để lấy thông tin được nhập vào”. Điều này có nghĩa khi hành khách gõ các thông tin thẻ tín dụng, một đoạn mã độc đã đánh cắp được chúng và gửi cho bên thứ ba.
Giáo sư Woodward chỉ ra nhiều vấn đề đang gia tăng với các website sử dụng đoạn mã từ nhà cung cấp khác, chẳng hạn như xác thực thanh toán, chạy quảng cáo hoặc cho phép người dùng sử dụng thêm các dịch vụ bên ngoài. Thời gian qua, một vụ tấn công theo kiểu chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng tới website Ticketmaster, khi một chatbot onsite được cho là nguyên nhân dẫn tới lộ thông tin của 40,000 người dùng tại Anh.
Do không có nhiều thông tin được tiết lộ, cách thức tương tự có khả năng được áp dụng cho British Airways. Nhưng cũng không bỏ qua nguyên nhân từ nội bộ của British Airways gây ra tác động lên hệ thống tin học của hãng. Theo chuyên gia Robert Pritchard của công ty tư vấn Cyber Security Expert, mã CVV của thẻ tín dụng không được lưu trữ bởi các công ty, mà bị đánh cắp trong thời gian xử lý thanh toán trên website đặt chỗ hoặc nhà cung cấp bên thứ ba. Giáo sư Woodward cũng cảnh báo các công ty sử dụng đoạn mã từ đối tác bên ngoài trên website và ứng dụng cần cẩn thận trong việc sử dụng chúng, hạn chế các nguy cơ mất an toàn.
- Từ khóa :
- British Airways
- ,
- tin tặc
- ,
- Hacker
Gửi ý kiến của bạn