Uber đã bán doanh nghiệp Đông Nam Á của hãng cho đối thủ tại khu vực là Grab trong tháng 03/2018 để đổi lấy 27.5% cổ phần của Grab. Thoả thuận đã khiến những cơ quan giám sát trong khu vực chú ý, và Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore đã phát động điều tra chỉ vài ngày sau khi thoả thuận được công bố.
Khoảng cuối tháng 09/2018, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore cho biết đã hoàn thành một số biện pháp để giảm thiểu tác động của thương vụ sáp nhập lên các lái xe, đồng thời cũng đã mở cửa thị trường cho những công ty mới. Họ cũng cho biết họ nhận ra rằng thương vụ sáp nhập đã làm giảm đáng kể sự cạnh tranh trên thị trường.
Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore đã phạt Uber 6.6 triệu SGD và phạt Grab 6.4 triệu SGD để ngăn chặn những thương vụ sáp nhật trong tương lai có nguy cơ làm tổn hại đến sự cạnh tranh. Họ cũng yêu cầu Grab phải dỡ bỏ những ràng buộc độc quyền của họ với những người lái xe taxi.
Toh Han Li, Giám đốc điều hành Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore, cho biết: “Các vụ sáp nhập có khả năng làm giảm thiểu sự cạnh tranh là bị cấm, và Ủy ban đã thực hiện các hành động để chống lại vụ sáp nhập của Uber-Grab vì thương vụ đã loại bỏ đối thủ gần nhất của Grab, gây thiệt hại cho lái xe ở Singapore”. Cơ quan quản lý cho biết giá của các chuyến đi trên Grab đã tăng 10 đến 15% sau thương vụ sáp nhập, và công ty hiện nắm đến 80% thị phần của Singapore.
Cơ quan đã yêu cầu Grab phải duy trì thuật toán tính giá trước khi sáp nhập và tăng tỷ lệ hoa hồng cho lái xe. Họ cũng ra lệnh cho Uber phải bán lại xe của Lion City Rentals, trụ sở ở Singapore, cho bất cứ đối thủ cạnh tranh tiềm năng nào có khả năng đưa ra đề nghị hợp lý dựa trên giá trị thị trường, và cấm Uber không được bán xe cho Grab mà không có sự chấp thuận theo quy định.
Tính đến tháng 12/2017, đội xe của Lion City lên đến 14,000 chiếc. Uber tin rằng quyết định của Ủy ban được đưa ra dựa trên “những định nghĩa hạn hẹp về thị trường, và rằng họ đã mô tả không chính xác tính chất của ngành, kèm theo nhiều lo ngại khác” Họ cho biết sẽ muốn kháng cáo.
Còn phía Grab cho biết đã hoàn thành giao dịch trong các quyền hạn hợp pháp của mình. Hãng cũng khẳng định rằng họ không cố ý vi phạm luật cạnh tranh. Grab cũng cho biết thêm đã không đẩy giá sau thương vụ sáp nhập, và cho rằng những người lái xe có toàn quyền lựa chọn. Ngoài ra, những người chơi khác trong thị trường cho thuê xe, bao gồm cả các hãng taxi truyền thống, cũng cần phải tuân theo những điều kiện chống độc quyền. Grab khẳng định sẽ tuân thủ các biện pháp khắc phục do Ủy ban đặt ra.
Gửi ý kiến của bạn