Khoảng cuối tháng 09/2018, Systrom, Giám đốc điều hành và Krieger, Giám đốc kỹ thuật của Instagram đã cùng lúc thông báo từ chức.
Theo trang Bloomberg, cả hai nhà đồng sáng lập Instagram đã mâu thuẫn với Mark Zuckerberg - CEO của FacebookFB, công ty sở hữu Instagram. Những tăng trưởng gần đây của Facebook phần nhiều đến từ Instgram. Việc CEO Mark Zuckerberg ngày càng can thiệp sâu khiến Instagram dần mất đi sự độc lập, thậm chí chịu ảnh hưởng từ những bê bối của Facebook.
Đây không phải lần đầu Facebook mất đi nhân sự chủ chốt của các nền tảng mà hãng mua lại. Tháng 04/2018, Jan Koum, thành viên hội đồng quản trị Facebook, người sáng lập WhatsApp, cũng tuyên bố rời khỏi công ty. Một số nguồn tin cho rằng, Koum quyết định rời đi vì lo ngại các vấn đề dữ liệu người dùng mà Facebook vi phạm trong những năm qua.
Sự ra đi của hai nhà đồng sáng lập Instagram nằm trong chuỗi những bất lợi đổ dồn lên Facebook. Từ năm 2017, truyền thông liên tục đưa tin Facebook bất cẩn với dữ liệu người dùng. Vụ bê bối khiến doanh thu từ quảng cáo và tăng trưởng người dùng của Facebook trong tháng 07/2018 chững lại đáng kể.
Trái ngược với Facebook, Instagram vẫn phát triển mạnh mẽ. Facebook mua lại mạng xã hội hình ảnh với giá 1 tỷ USD năm 2012. Thời điểm đó, Instagram có 30 triệu người dùng. Kể từ đó, Instagram liên tục phát triển và trở thành thương vụ thành công nhất mà Facebook từng thực hiện.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Instagram đã đi khá xa khỏi tinh thần ban đầu. Facebook đã quyết định thêm vào đó hàng loạt tính năng mới. Khi nhận ra sự đe dọa từ Snapchat, CEO Zuckerberg tích hợp vào Instagram tính năng Story. Gần đây nhất, Instagram bị biến thành ứng dụng xem video với IGTV. Nhưng ngay từ giai đoạn đầu, tính năng đã bắt đầu gặp tình trạng tương tự YouTube và Facebook.
Theo Business Insider, IGTV tập trung vào các nội dung video nhằm cạnh tranh với YouTube và Snapchat, đã đề xuất các video có nội dung không phù hợp cho trẻ em. Để theo dõi các nội dung trên IGTV, Business Insider đã tạo một tài khoản Instagram mới với độ tuổi 13 và sử dụng ứng dụng trong vài tuần. Chỉ sau vài ngày sử dụng, một video có tiêu đề "Hot Girl Follow Me" đã được đề xuất trong mục "Dành cho bạn" của tài khoản. Video có nội dung khêu gợi, hoàn toàn không phù hợp với trẻ em khi chứa hình ảnh một cô gái bước trong phòng tắm và cởi bỏ quần áo.
Instagram được tạo ra vào năm 2010, có tiền thân là ứng dụng tìm vị trí Burbn của Systrom. Krieger rất thích dùng ứng dụng và mong muốn cùng Systrom thiết kế lại Burbn. Cuối cùng họ thiết kế lại Burbn và đổi tên thành Instagram. Ngay lập tức, Instagram trở nên phổ biến tại thung lũng Silicon. Ứng dụng cho phép người dùng sử dụng smartphone chụp ảnh và chia sẻ với mọi người. Systrom và Krieger đã tạo ra những bộ lọc màu dành cho di động, thúc đẩy làn sóng ứng dụng copycat chạy theo Instagram.
Những năm đầu tiên, Systrom và Krieger đã chi rất nhiều tiền để duy trì máy chủ cho lượng người dùng Instagram tăng trưởng liên tục. Sau đó, Instagram được Mark Zuckerberg, CEO Facebook, chú ý. Năm 2012, CEO Zuckerberg đã đàm phán với Systrom và Krieger và đưa ra mức giá 1 tỷ USD để mua lại mạng xã hội hình ảnh Instagram.
Mark Zuckerberg phát biểu sau thành công của thương vụ mua lại Instagram: “Hiện giờ, chúng tôi sẽ có thể làm việc chặt chẽ hơn với đội ngũ Instagram để cung cấp những trải nghiệm tốt nhất về chia sẻ hình ảnh đẹp trên thiết bị di động với mọi người dựa trên sở thích của người dùng”. Ngoài Instagram, Facebook còn mua lại Parse, Oculus, và Whatsapp. Tuy nhiên, Instagram vẫn là thương vụ thành công nhất từ trước đến nay của Facebook.
Sự ra đi của 2 ông Systrom và Krieger có thể sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tương lai của Instagram. Hiện Facebook vẫn chưa có thông tin về người sẽ thay Systrom và Krieger ở vị trí giám đốc điều hành và giám đốc kỹ thuật.
- Từ khóa :
- ,
- Mark Zuckerberg
Gửi ý kiến của bạn