Khoảng đầu tháng 09/2018, trung tâm nghiên cứu Riken trực thuộc đại học Tokyo đã phát triển một dạng thiết bị giúp theo dõi nhịp tim được cấp nguồn từ các nguồn ánh sáng trong môi trường, với thiết kế mỏng gọn như 1 miếng băng gạc trong suốt.
Thiết bị không chỉ đo nhịp tim mà các cảm biến còn có thể đo được nhiệt độ và lượng mồ hôi tiết ra từ cơ thể. Và cũng bởi năng lượng được lấy từ các tế bào quang điện được đặt sẵn bên trong, nên nó cũng giúp giảm thiểu các nguyên nhân gây nhiễu kết quả do tác động từ dòng điện, giúp thiết bị cho ra kết quả chính xác hơn các dạng khác.
Để có đủ nguồn điện cho máy đo nhịp tim hoạt động các nhà khoa học đã nâng tầm cao mới cho thiết bị tạo điện năng từ năng lượng mặt trời, bằng cách phủ lên tấm pin một lớp bề mặt được gọi tạm là nano-grating để giúp hấp thu ánh sáng từ nhiều góc hơn bình thường. Hiệu suất chuyển đổi năng lượng của thiết bị đã đạt ngưỡng từ 10.5% và tỷ lệ công suất/trọng lượng đã đạt mức 11.46 W/gr, dần tới ngưỡng 15% mà nhóm nghiên cứu tin rằng sẽ cho phép phương pháp quang điện hữu cơ có thể hoạt động tương đương với các tấm nền làm từ silicon trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay với các thí nghiệm ban đầu trên người và chuột, các kết quả đã cho thấy máy đo nhịp tim đã có đủ năng lượng để hoạt động. Nhóm nghiên cứu đang tập trung vào nâng hiệu suất điện năng và nghĩ tiếp đến cách truyền kết quả thu được qua ngả nào, đến đâu, và khả năng mở rộng ứng dụng.