Khoảng giữa tháng 10/2018, các nhà khoa học tại trường đại học kỹ thuật Eindhoven, Hà Lan và đại học Keio, Nhật Bản đã phát triển một bộ xét nghiệm chẩn đoán có nguồn gốc từ giấy, với giá thành rẻ nhưng có thể kiểm tra nhanh khá nhiều dạng bệnh truyền nhiễm.
Cách thức hoạt động rất đơn giản, chỉ cần lấy 1 giọt máu của bệnh nhân và nhỏ lên miếng giấy, sau đó sẽ kiểm tra màu sắc được phát ra từ mẩu giấy thử thông qua camera smartphone để đưa ra kết luận bệnh nhân có bị bệnh truyền nhiễm nào không, kiểu như cúm, sốt xuất huyết hay HIV không.
Đây là cách đội nghiên cứu quay lại tìm cách giải quyết câu chuyện muôn thuở của việc các vùng khó tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ xét nghiệm nhanh. Với sản phẩm mới, việc đưa ra kết quả nhanh để tìm hướng điều trị sẽ được rút ngắn hơn rất nhiều bởi từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc chỉ mất khoảng 20 phút. Bác sĩ sẽ lấy máu của người bệnh nhỏ vào tờ giấy, giấy sẽ chuyển sang dạng màu sắc của màu xanh nước biển lẫn xanh lá cây do các phản ứng hóa học được đặt sẵn trong quá trình sản xuất. Màu xanh càng đậm, nồng độ kháng thể càng cao.
Sau đó, bác sĩ chỉ cần sử dụng camera của smartphone để tính tỷ lệ chênh lậch giữa ánh sáng phát ra màu xanh nước biển và xanh lá cây để tính ra được nồng độ của kháng thể. Hiện các nhà khoa học đã có thể sử dụng mẩu giấy mới để kiểm tra được 3 dạng bệnh truyền nhiễm trong cùng 1 xét nghiệm, bao gồm cúm, sốt xuất huyết và HIV.