Khoảng giữa tháng 10/2018, trả lời độc quyền TechCrunch, Facebook cho biết sẽ hiển thị ít liên kết trên bảng tin News Feed nếu có dấu hiệu về tính nguyên bản của nguồn tin hoặc dẫn đến các bài báo “giật tít câu view” hay những trang tràn ngập quảng cáo kém chất lượng. Quyết định được Facebook đưa ra sau khi khảo sát và phỏng vấn trực tiếp người dùng cho thấy họ ghét các nội dung ăn cắp.
Nếu các liên kết xuất hiện ít hơn trên News Feed, lượng truy cập cũng thấp hơn, dẫn đến doanh thu ít đi và chủ nhân trang web không còn nhiều động lực sao chép bài báo, hình ảnh và video. Nó có thể tạo hiệu ứng chiếc ô, cải thiện nguồn tin trên mạng. Ví dụ về loại website sẽ bị giáng cấp trên News Feed: website “Latest Nigerian News” đã lấy một trong các bài báo trên TechCrunch và cùng với đó là hàng tá các quảng cáo. Facebook cho biết, quy định xuất bản mới sẽ cảnh báo các hãng tin bổ sung nội dung gốc hoặc giá trị cho những nội dung lấy lại nếu không muốn nhận trừng phạt của hãng.
Vậy làm thế nào Facebook xác định được nội dung là ăn cắp? Hệ thống của hãng sẽ so sánh nội dung văn bản của một trang với tất cả nội dung văn bản khác để tìm các điểm trùng hợp. Mức độ trùng lắp được dùng để dự đoán một trang có lấy nội dung từ trang khác hay không. Sau đó, nó sẽ kết hợp với mức độ “giật tít câu view” của website cũng như chất lượng và số lượng quảng cáo trên trang.