Hầu hết các hàng sản xuất smartphone đều có những chiêu trò để người dùng nâng cấp thiết bị của họ trước thời hạn. Trong số đó bao gồm những chương trình nâng cấp ưu đãi, gắn chặt pin vào khung để khó thay thế, vận động hành lang để đạo luật cho phép người dùng tự do sửa chữa thiết bị không được phê duyệt, và cuối cùng là khiến các linh kiện không thể hoặc khó thay thế.
Phong trào Right to Repair, với sự tham gia của cả những cái tên danh tiếng trong làng công nghệ như sáng lập iFixit Kyle Wiens, đang không mấy thành công. Tháng 10/2018, cửa hàng sửa chữa nhỏ tại Manhattan của Louis Rossmann, một chuyên gia sửa chữa độc lập, người ủng hộ Right to Repair, đã bị gặp rắc rối khá lớn. Lô pin MacBook mà Rossmann nhập về để thay thế cho khách hàng đã bị Cục An ninh Nội địa Mỹ tịch thu.
Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 10/2018, Motorola đã trở thành hãng đầu tiên công khai ủng hộ Right to Repair. Hãng trở thành hãng đầu tiên quyết định giúp người dùng tự sửa chữa smartphone của họ một cách dễ dàng nhất có thể. Motorola hợp tác với iFixit để bán ra bộ dụng cụ sửa chữa cho các mẫu smartphone như Moto X, Z, G4, G5 và Droid Turbo 2. Bên cạnh đó, hãng cũng sẽ bán linh kiện thay thế cho tất cả các smartphone được bán ra gần đây. Bộ dụng cụ bao gồm các công cụ, linh kiện thay thế chính hãng Motorola kèm theo hướng dẫn bạn cách sửa thiết bị.
iFixit tuyên bố: “Motorola là ví dụ cho thấy các hãng nên có thái độ cởi mở hơn với vấn đề sửa chữa thiết bị. Với những hãng sửa chữa như chúng tôi, mối quan hệ đối tác còn tác động tích cực tới phong trào Right to Repair mà chúng tôi đang ủng hộ. Đó là bằng chứng cho thấy các hãng OEM và các cửa hàng sửa chữa có thể cùng nhau tồn tại. Công việc kinh doanh và trách nhiệm xã hội, sáng tạo và phát triển bền vững có thể song song tồn tại chứ không nên loại trừ lẫn nhau”.