Khoảng đầu tháng 11/2018, trang Reuters đưa tin, Elon Musk, trên cương vị là CEO SpaceX, đã thẳng tay “đuổi việc ít nhất 7 nhân sự” điều hành để tăng tốc phát triển, thử nghiệm hệ thống vệ tinh cung cấp mạng Internet toàn cầu. SpaceX từ chối công nhận nhiều phần có trong tin tức Reuters đăng tải, nói rằng một số giám đốc điều hành đã tự nộp đơi xin thôi việc, hơn nữa việc Musk sa thải nhân viên diễn ra trong một khoảng thời gian dài chứ không phải kiểu “chớp nhoáng” như Reuters đưa tin.
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ FCC đã đồng ý cho SpaceX phóng lên 4,425 vệ tinh quỹ đạo thấp vào giai đoạn giữa 2019 và 2027. Với hệ thống mới, SpaceX sẽ cung cấp mạng Internet băng thông rộng cho những khu vực chưa có và có ít kết nối với thế giới mạng. Tính đến đầu tháng 11/2018, SpaceX đang xin giấy phép phóng thêm 7,518 vệ tinh.
Trang Reuters dẫn từ một nguồn khác cho biết mục tiêu của SpaceX là khả thi, dự kiến giữa năm 2019, những vệ tinh đầu tiên sẽ lên quỹ đạo. Tuy nhiên, có vẻ như theo ý Elon Musk, cần phải “thay máu nhân sự”, dự án mới có thể thuận lợi. Theo Reuters, chỉ vài giờ sau khi Elon Musk đáp máy bay và tới trụ sở của SpaceX, ông đã sa thải 7 nhân sự vì không đồng tình với tốc độ làm việc của họ. Ông đã ngay lập tức có sự thay thế cho những vị trí còn trống.
Phát ngôn viên của SpaceX đính chính với trang tin ArsTechnica rằng việc thay đổi nhân sự tại SpaceX diễn ra trong vòng 2 tuần, ít nhất 2 người tự xin nghỉ việc chứ không bị đuổi. Dựa theo lời của SpaceX, và nếu cho rằng phần còn lại của thông tin trên Reuters là đúng, 5 quản lý cấp cao đã bị Musk sa thải trong vòng chưa đầy hai tuần.
Cũng theo Reuters, trong số những nhân viên bị sa thải có Rajeev Badyal, giữ chức phó chủ tịch mảng vệ tinh của SpaceX và Mark Krebs, chuyên gia thiết kế cấp cao. Rajeev Badyal muốn thêm thời gian để thử nghiệm vệ tinh, Elon Musks nghĩ rằng có thể hoàn thiện dự án với vệ tinh rẻ hơn và đơn giản hơn, qua đó tốc độ dự án sẽ được đẩy nhanh hơn.
Người ta còn mô tả hai phong cách làm việc đối lập đã khiến bất đồng nảy sinh: Badyal là cựu nhân viên của Microsoft, Kreb đã từng làm việc cho Google – cả hai công ty lớn đều có lịch làm dự án trải ra trong thời gian dài, không giống phong cách liên tục chạy deadline của Elon Musk.
Để trả lời về vấn đề, SpaceX đã có tuyên bố gửi tới ArsTechnica: “Văn phòng Redmond của SpaceX là một phần không thể thiếu trong nỗ lực xây dựng mạng lưới vệ tinh mới, thứ có khả năng kết nối thế giới với dịch vụ băng thông rộng đáng tin cậy và giá thành phải chăng, vươn tới được những cá nhân chưa bao giờ biết tới kết nối mạng. Chúng tôi đã có tiền đề là thành công của vệ tinh Starlink thử nghiệm, đã đưa vào những bài học có được trong quá trình vận hành, tái cơ cấu bộ máy để dự án trơn tru hơn, hoàn thiện nhanh hơn. Quá trình biến đổi không khác gì công cuộc đổi mới đã dẫn đến sự thành công của các dự án Falcon 1, Falcon 9, Falcon Heavy và Dragon”
- Từ khóa :
- Elon Musk
- ,
- CEO SpaceX
Gửi ý kiến của bạn