Khoảng giữa tháng 11/2018, một số nguồn tin cho biết, ông Carlos Ghosn, người đang giữ chức chủ tịch kiêm CEO của hãng Nissan bị bắt sau khi cuộc điều tra nội bộ của công ty đã phát hiện ra hành vi che giấu những khoản thu nhập của mình đối với cơ quan tài chính Nhật Bản suốt nhiều năm.
Nissan cho biết đang hợp tác với các công tố viên ở Nhật để đưa vụ việc ra ánh sáng. Được biết, cuộc điều tra đã bắt đầu được tiến hành ngay khi có báo cáo cho rằng ông Ghosn đã khai khống mức thu nhập của mình, đồng thời sử dụng tài sản của công ty để phục vụ cho mục đích cá nhân. Hiện cả Ghosn và người đồng phạm Greg Kelly – thuộc ban giám đốc của Nissan – đều đã bị nhà chức trách bắt giữ, đồng thời, công ty cũng đã chính thức sa thải hai người.
Hồi năm 1996, nhà sản xuất xe hơi Renault bổ nhiệm ông Ghosn vào vị trí phó giám đốc điều hành mảng mua bán, nghiên cứu cải tiến, kỹ thuật và vận hành hệ thống sản xuất. Đến tháng 03/1999, Renault và Nissan kết hợp lại với nhau và thành lập Liên minh Renault-Nissan (Renault-Nissan Alliance, sau này có thêm Mitsubishi). Vẫn giữ vai trò của mình ở Renault, ông Ghosn sau đó tiếp tục trở thành giám đốc điều hành của Nissan vào tháng 06/1999, đến tháng 06/2000 ông giữ vị trí chủ tịch. Vụ việc được xem như một “vết nhơ” khó mà gột rửa trong chương cuối cùng sự nghiệp của một người từng được đánh giá là một trong những CEO quyền lực nhất ngành công nghiệp xe hơi.
Còn ông Kelly từng có một giai đoạn làm việc cho bộ phận nhân sự của Nissan, trước khi được bổ nhiệm để trở thành thành viên hội đồng quản trị của hãng vào năm 2012. Theo hồ sơ chứng khoán của Nissan, ông Ghosn đã được trả 735 triệu Yên (khoảng 6.5 triệu USD) bằng tiền mặt trong năm 2017, giảm 33% so với con số 1.1 tỷ Yên mà ông được trả trong năm 2016. Sự thay đổi bất thường làm dấy lên những nghi ngờ về vai trò của ông Ghosn ở Liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi.
Dù đã từ chức CEO tại Nissan hồi năm 2017, ông Ghosn 64 tuổi vẫn là người đứng đầu liên minh xe hơi lớn nhất thế giới. Trong một buổi tiếp xúc với báo giới, ông thậm chí còn tiết lộ dự định sẽ tại vị cho đến năm 2020. Trong năm 2017, Ghosn đã được Mitsubishi Motors trả 227 triệu Yên tiền mặt cũng như cổ phiếu của Mitsubishi Motors. Ngay sau khi thông tin về vụ việc được đăng tải, cổ phiếu Renault giảm 10% trên sàn chứng khoán Paris, còn cổ phiếu của Nissan tại Düsseldorf (Đức) giảm 9%. Công ty cho biết: “Nissan thành thật xin lỗi vì đã gây ra mối lo ngại lớn cho các cổ đông và các bên liên quan”
Sau khi được Renault đưa đến làm việc tại Nissan Nhật Bản, ông thu được thành công lớn nhờ đưa ra nhiều quyết định giúp cứu công ty khi tình hình tài chính đang trên đà sụp đổ. Lúc bấy giờ, Nissan đã đóng cửa 5 nhà máy trong nước, và cắt giảm 21,000 việc làm. Câu chuyện về cuộc đời của ông thậm chí còn được xuất bản thành truyện manga. Tại Nhật Bản, rất hiếm khi có thể nhìn thấy lãnh đạo của một công ty là người nước ngoài, nên sự sụp đổ hình tượng của ông Ghosn có thể sẽ mãi mãi thay đổi cái nhìn của người dân Nhật Bản. Pernille Rudlin, giám đốc điều hành của Rudlin Consulting, công ty chuyên tư vấn về lĩnh vực liên văn hóa với các công ty Nhật Bản, chia sẻ: “Ông ấy là minh chứng rõ ràng nhất để phủ nhận ý kiến cho rằng người nước ngoài sẽ chẳng bao giờ thành công tại Nhật Bản. Giờ thì không còn nữa”
Thực tế, tình hình của Nissan đã có những dấu hiệu tiêu cực trong thời gian qua. Tháng 10/2018, công ty ban hành quyết định ngừng sản xuất tại tất cả các nhà máy tại Nhật Bản sau khi phát hiện có nhiều nhân viên không đủ kinh nghiệm đã tham gia vào khâu kiểm tra xe. Trước đó vào tháng 07/2018, công ty thừa nhận đã cố tình làm sai lệch dữ liệu về lượng khí phát thải của xe hơi do hãng sản xuất. Theo các nhà phân tích, sự cố đáng xấu hổ của ông Carlos Ghosn chỉ là giọt nước làm tràn ly. Shin Ushijima, một luật sư chuyên về quản trị doanh nghiệp cho biết: “Đối với Nissan, ông Ghosn là một người hùng vĩ đại. Tin tức thật xấu hổ”. Ngoài ra, vị luật sư còn cho rằng một mình ông Ghosn không thể nào thực hiện được hành vi sai trái nêu trên mà còn phải có sự cấu kết của cấp dưới.
Ông Ghosn được đánh giá là một nhà lãnh đạo rất có thực lực khi vượt qua giới hạn văn hóa giữa các nước, mà cụ thể chính là văn hóa doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình cho vấn đề chính là sự tan rã của mối nhân duyên giữa Daimler và Chrysler hồi năm 2007. Liên minh Renault, Nissan và Mitsubishi đã bán được 10.6 triệu xe trong năm 2017, nhiều hơn nếu so với Volkswagen, Toyota hay General Motors. Dựa trên doanh số bán hàng tính trong nửa đầu năm 2018, ước tính liên minh có thể bán được 11 triệu xe trong năm 2018. Trong liên doanh, Nissan và Renault chiếm đa số lượng cổ phần, trong khi Nissan sở hữu 34% cổ phần của Mitsubishi.
Dưới sự điều hành của ông Ghosn, các công ty bên cạnh việc duy trì hoạt động độc lập vẫn phải chia sẻ chi phí nghiên cứu phát triển công nghệ và các mẫu xe mới, cũng như mua các linh kiện của nhau. Trước khi vụ bê bối mới được phanh phui, Ghosn từng vướng vào một vụ lùm xùm khác liên quan đến mức lương với hội đồng quản trị của Renault và chính phủ Pháp, vốn sở hữu 15% cổ phần của công ty. Mức lương lên đến 8.5 triệu USD của ông hồi năm 2017 đã gây nên một cuộc tranh cãi giữa các cổ đông và thành viên hội đồng quản trị Renault.
Chính phủ Pháp vốn đang cố làm dịu đi sự chia rẽ giữa các nhà điều hành giàu có của quốc gia và những người làm thuê, đã một mực cho rằng số tiền dành cho ông nên bị giới hạn lại. Tại một cuộc họp báo với thủ tướng Bỉ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ bình luận nào. Tuy nhiên, ông cũng cho biết nhà chức trách Pháp, với tư cách là một cổ đông lớn của Renault, sẽ rất lưu ý về sự ổn định của liên minh giữa Renault và Nissan. Trước tình hình giá cổ phiếu của công ty giảm sút, ông Macron khẳng định chính phủ Pháp sẽ tìm mọi cách duy trì sự ổn định và hỗ trợ đầy đủ cho các nhân viên của Renault.
Tại Pháp, công ty đang có hơn 47,000 việc làm. Proxinvest, công ty tư vấn cổ đông có trụ sở tại Paris cũng đã đề nghị bỏ phiếu chống lại mức lương của ông Ghosn hồi năm 2017, sau khi cho rằng đã có sự thiếu minh bạch trong cách tính toán và khoản tiền thưởng cao vô lý. Ông Ghosn sau đó đã miễn cưỡng đồng ý cắt giảm mức lương trong năm 2018 thêm 30%, nhằm đảm bảo chính phủ Pháp sẽ tiếp tục bỏ phiếu ủng hộ cho vị trí giám đốc điều hành nhiệm kỳ kế.
Tại Nhật Bản, mức lương của ông Ghosn là thứ ngoại lệ. Các giám đốc điều hành làm việc ở Nhật thường kiếm được ít hơn so với người đồng cấp ở Mỹ hoặc Châu Âu. Ví dụ, Takeshi Uchiyamada, chủ tịch của Toyota, đã được trả tổng cộng 181 triệu Yên trong năm 2017, so với mức 735 triệu của ông Ghosn.
- Từ khóa :
- Nissan
- ,
- Carlos Ghosn
Gửi ý kiến của bạn