Vitamin là những chất rất quan trọng đối với cơ thể, giúp cơ thể chúng ta duy trì các hoạt động sống một cách ổn định và hiệu quả. Ngoại trừ vitamin D, cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được vitamin, nên cần đưa từ bên ngoài vào qua thức ăn. Thiếu vitamin sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm sức đề kháng và dễ mắc nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nếu được bổ sung thêm vitamin cơ thể chúng ta sẽ khỏe hơn, hay tăng sức đề kháng giúp chống lại các loại bệnh tật tốt hơn, hay giúp kéo dài tuổi thọ.
Vitamin có thể được chia thành 2 nhóm chính gồm vitamin tan trong nước – các vitamin nhóm B và vitamin C – và vitamin tan trong dầu, gồm vitamin A,D,K,E. Khi các loại vitamin được đưa vào cơ thể quá nhiều, vượt quá nhu cầu cơ thể, chúng sẽ không thể được hấp thụ và sử dụng hết. Các vitamin tan trong nước sẽ được thải ra ngoài qua nước tiểu, nhưng các vitamin tan trong dầu thường bị tích lũy trong cơ thể. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. Ví dụ như quá liều vitamin E có thể gây tăng nguy cơ đột quỵ do chảy máu não, hay dùng vitamin A quá liều cũng có thể gây ngộ độc với các triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, nhìn mờ, vàng da...
Tất cả các nghiên cứu đều cho thấy, việc bổ sung vitamin bằng viên uống hàng ngày đều gần như không đem lại lợi ích gì. Không hề có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư; cũng không hề giúp tăng cường trí nhớ hay kéo dài tuổi thọ. Các chuyên gia đều kết luận, không có bằng chứng cho thấy việc bổ sung vitamin đường uống hàng ngày đem lại lợi ích cho sức khỏe, nhưng có bằng chứng cho thấy khả năng gây hại nếu dùng vitamin bổ sung quá liều. Cách tốt nhất để bổ sung vitamin cho cơ thể là duy trì một chế độ dinh dưỡng thích hợp lý với đầy đủ các loại thức ăn như thịt, trứng, sữa, cá... kèm theo nhiều loại rau xanh và hoa quả.
Hiển nhiên, việc bổ sung vitamin đường uống hoặc tiêm vẫn cần thiết trong trường hợp cơ thể bị thiếu hụt, nhưng cần được thăm khám và chỉ định bởi bác sĩ. Nhưng đối với đa số mọi người, việc bổ sung vitamin bằng các viên uống hàng ngày là điều không cần thiết. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất đó là a xít folic (vitamin B9), các chuyên gia đều khuyên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và đang muốn có con nên bổ sung a xít folic cả trước và trong khi có thai với liều 400 micrograms/ngày. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.
Gửi ý kiến của bạn