Hành động lạm dụng kháng sinh của con người đang khiến siêu vi khuẩn lây lan khắp thế giới. Khoảng cuối tháng 11/2018, theo một nghiên cứu mới của Đại học Sydney, Australia, ngay cả những con chim cánh cụt ở Nam Cực cũng đã dương tính với vi khuẩn mang gen kháng kháng sinh.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã thu thập vi khuẩn có trong trực tràng của những con chim cánh cụt Nam Cực, sống gần 2 căn cứ O'Higgins và Gabriel González Videla của Chilê. Các mẫu vi khuẩn sau đó được giải trình tự RNA để kiểm tra xem có hay không sự hiện diện của gen kháng kháng sinh.
Kết quả chỉ ra vi khuẩn kháng kháng sinh đã lây lan tới tận Nam Cực. Đặc biệt, những con chim cánh cụt sống ở căn cứ O’Higgins, gần gũi với con người hơn sẽ mang nhiều gen kháng kháng sinh hơn. Những con chim cánh cụt ở Videla, nơi ít có sự hiện diện của con người hơn, mang ít gen kháng kháng sinh hơn.
Đây là căn cứ để các nhà nghiên cứu lo ngại con người là nhân tố mang siêu vi khuẩn lan truyền khắp thế giới, lây nhiễm cho nhiều loài vật mà cụ thể ở nghiên cứu mới là các loài chim thủy cư.
Theo báo cáo trên tạp chí New Scientist, nghiên cứu được dẫn đầu bởi tiến sĩ Vanessa Rossetto Marcelino đến từ Đại học Sydney. Marcelino và đồng nghiệp đã thu thập mẫu vi khuẩn có trong cơ thể của 110 con chim thủy sinh, từ những con vịt sống gần nhà máy nước thải ở Australia cho tới những con chim cánh cụt ở Nam Cực. Các mẫu vi khuẩn sau đó được giải trình tự bộ gen để tìm ra những gen kháng thuốc (ARG). Có tổng cộng 81 ARG được tìm thấy trong nghiên cứu. Và các loài chim khi sống càng gần gũi với con người thì càng mang nhiều gen kháng kháng sinh hơn.
Những con vịt được nuôi trong hồ chứa của một nhà máy nước thải ở Melbourne mang trên mình nhiều vi khuẩn có gen kháng kháng sinh nhất. Trong khi đó, những con chim cánh cụt sống ở căn cứ O’Higgins mang nhiều gen kháng kháng sinh hơn chim cánh cụt ở căn cứ Videla, xa hơn và ít người ở hơn.
Sự hiện diện của con người có thể đã reo rắc những siêu vi khuẩn vào đất và nước, trước khi chúng xuất hiện trong cơ thể những con chim cánh cụt. Một nghiên cứu hồi năm 2016 cho thấy đất ở Nam Cực đã bị nhiễm ARG. Các nhà khoa học chứng minh có tới 7 gen kháng kháng sinh xuất hiện trong 42-88% mẫu đất thu thập ở Nam Cực. Tổng số ARG trong tất cả các mẫu đất lên tới con số 73, chưa bao gồm các yếu tố di truyền khác, trong đó có 8 loại gen kháng kháng sinh chính. May mắn là sự hiện diện của chúng vẫn đang ở mức thấp.
Josef Järhult, nhà nghiên cứu tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển cho biết: “Đó là một phạm vi phức tạp cho thấy sự đa dạng và độ phủ lớn của các gen kháng kháng sinh”. Sự hiện diện của các gen kháng kháng sinh ở Nam Cực là một ví dụ cho thấy sự ảnh hưởng của con người đến môi trường và các loài động vật hoang dã. Thực tế, con người đã làm ô nhiễm mọi môi trường sống, mọi ngóc ngách trên Trái Đất. Việc lạm dụng kháng sinh, đặc biệt là trong chăn nuôi giúp động vật mau lớn, đã dẫn đến sự tiến hóa của vi khuẩn. Những con vi khuẩn kháng kháng sinh được tìm thấy trên khắp thế giới, đang gây ra mối đe dọa lớn đối với tất cả chúng ta.
Kháng kháng sinh là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21. Ước tính cho thấy vi khuẩn kháng thuốc đang giết chết khoảng 700,000 người mỗi năm trên khắp thế giới. Con số có thể tăng lên đến hơn 10 triệu người ngay vào giữa thế kỷ 21.
- Từ khóa :
- Gen Kháng Kháng Sinh
- ,
- Nam Cực
- ,
- Chim Cánh Cụt
Gửi ý kiến của bạn