Cơ Thể Chữa Lành Những Vết Thương Vào Ban Ngày Nhanh Hơn Ban Đêm

28 Tháng Mười Một 201812:51 SA(Xem: 4449)
Cơ Thể Chữa Lành Những Vết Thương Vào Ban Ngày Nhanh Hơn Ban Đêm
Cơ Thể Chữa Lành Những Vết Thương Vào Ban Ngày Nhanh Hơn Ban Đêm

Chúng ta thường nghĩ giấc ngủ ban đêm là một liều thuốc bổ cho mọi quá trình hồi phục của cơ thể. Khi nằm xuống và nhắm mắt, thân nhiệt bắt đầu hạ xuống, não bộ được thư giãn và cơ thể sẽ sửa chữa những hỏng hóc tích lũy trong suốt một ngày dài năng động. Tuy nhiên, thực tế có vẻ không hoàn toàn là như vậy.

 

Khoảng cuối tháng 11/2018, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine, cơ thể chúng ta chữa lành các vết thương vào ban đêm chậm hơn so với ban ngày. Nguyên nhân có thể liên quan đến quá trình tiến hóa và sự vận hành của chiếc đồng hồ sinh học bên trong mỗi người. Lợi dụng chiếc đồng hồ, các bác sĩ có thể lập ra những phác đồ điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân, đơn giản như lên lịch phẫu thuật phù hợp với đồng hồ sinh học của họ.

 

Chữa lành vết thương như gọi xe cứu hỏa

 

Bên trong mỗi người chúng ta có một chiếc đồng hồ sinh học đang chạy. Và nếu hỏi rằng chiếc đồng hồ được đặt ở đâu, một số người sẽ biết đích xác nó nằm ở vùng dưới đồi của não. Nhưng các nhà khoa học cho biết trong cơ thể chúng ta thật ra không chỉ có duy nhất một chiếc đồng hồ sinh học. Chính xác mà nói, mỗi tế bào trong cơ thể đều có một chiếc đồng hồ như vậy. Chúng được đồng bộ với nhau, theo cách nào đó, đang điều khiển mọi hoạt động bên trong cơ thể, trong đó có cả việc chữa lành những tổn thương.

 

Từ năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge đã muốn tìm hiểu xem khoảng thời gian trong ngày có ảnh hưởng thế nào đến tốc độ phục hồi của các mô bị hư hỏng. Nên họ đã theo dõi các tế bào da được gọi là nguyên bào sợi.

 

Khi chúng ta bị thương, các tế bào nguyên bào sợi chính là những chiếc xe cứu hỏa di chuyển đến vùng bị ảnh hưởng. Chúng phun ra các protein phục hồi như collagen, giúp tái tạo những mô bị tổn thương. Nhưng để gọi được những chiếc xe cứu hỏa đến hiện trường, ta sẽ cần đến một protein khác có tên là actin. Nếu không có đủ actin, hoạt động "chữa cháy" của nguyên bào sợi sẽ bị suy yếu. Vấn đề quan trọng là nồng độ actin được quy định bởi thời gian sinh học. Giống như giờ giấc chúng ta đi làm, những tế bào da cũng là nô lệ của chu kỳ ngày đêm trên Trái Đất.

 

Để quan sát quá trình hoạt động của các tế bào đó, các nhà nghiên cứu đã nuôi nguyên bào sợi trong các đĩa petri. Sau khi các tế bào tạo thành một màng da nhân tạo, họ sẽ rạch rách chúng và quay phim lại quá trình hồi phục. Nhóm nghiên cứu quan sát thấy rằng khi màng tế bào bị thương tổn vào buổi đêm, quá trình hồi phục diễn ra chậm hơn so với ban ngày. Đó là vì tốc độ phản ứng của nguyên bào sợi thay đổi theo chu kỳ nồng độ actin.

 

Các tác giả giải thích: “Điều này phù hợp với khả năng di chuyển của các tế bào để tiếp cận tới một vết thương mới, được xác định bởi trạng thái hoạt động actin, trong chu kỳ sinh học mà vết thương phát sinh”. Thí nghiệm trên những con chuột sống cũng cho thấy hiện tượng tương tự. Khi các nhà khoa học tạo ra vết thương trên da chúng vào ban ngày, khi những con chuột thức, vết thương sẽ lành nhanh hơn so với ban đêm, khi những con chuột ngủ.

 

Nhà sinh vật học phân tử John O'Neill, tác giả chính của nghiên cứu giải thích: “Chúng tôi tiếp tục quan sát thấy sự khác biệt gấp hai lần trong tốc độ chữa lành vết thương giữa ngày và đêm của cơ thể”. Ý tưởng tiếp theo là, liệu các nhà khoa học có thể khiến vết thương hồi phục nhanh hơn, bằng cách đánh lừa chiếc đồng hồ sinh học của chúng hay không?

 

Câu trả lời là có. Bằng cách bật đèn vào ban đêm, những con chuột đã thực sự hồi phục vết thương nhanh hơn. Và khi các nhà khoa học thêm một loại thuốc điều chỉnh nhịp sinh học bên trong các tế bào nuôi trên đĩa petri, chúng cũng chữa lành các tổn thương nhanh hơn. Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả có thể được ứng dụng trong điều trị y khoa, chẳng hạn nó sẽ cho phép bác sĩ phẫu thuật sắp lịch mổ phù hợp với đồng hồ sinh học của bệnh nhân, giúp họ có được quãng thời gian hồi phục tối ưu nhất.

 

Quan sát từ thống kê trên những ca bệnh bỏng cho thấy, những bệnh nhân bị bỏng vào ban đêm mất một khoảng thời gian hồi phục dài hơn tới 60% so với bệnh nhân bị bỏng ban ngày. Khoảng thời gian ban đêm sinh học được xác định là từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng. Những bệnh nhân bị bỏng trong quãng thời gian ban đêm sinh học mất trung bình 28 ngày để hồi phục. Trong khi đó, những người bị bỏng vào ban ngày chỉ mất 17 ngày.

 

Đó là một sự khác biệt rất lớn, và rất đáng để chúng ta nghiên cứu tìm ra các phương pháp điều trị y tế mới, lợi dụng sự hoạt động của của nhịp sinh học. Bác sĩ hô hấp John Blaikley đến từ Đại học Manchester, một trong số các nhà nghiên cứu cho biết: “Khi chúng ta tìm ra được các loại thuốc mới, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, mà còn phải xác định sự hiệu quả của chúng thay đổi thế nào theo từng khoảng thời gian trong ngày”.

 

Đối với vấn đề tại sao chúng ta chữa lành những vết thương chậm hơn vào ban đêm, chưa có câu trả lời chắc chắn. Nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán rằng nó có thể là một sự thích nghi trong quá trình tiến hóa: chúng ta chữa lành các vết thương nhanh hơn trong ngày, vì ban ngày là lúc chúng ta vận động nhiều và có khả năng bị thương cao hơn.

 

Còn rất nhiều nghiên cứu cần phải làm trước khi có thể ứng dụng phát hiện mới, nhưng đó là bằng chứng mới nhất cho thấy quyền năng của chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể. Sự ảnh hưởng của nó bao trùm lên mọi khía cạnh của sức khỏe. Và đồng hồ sinh học thực sự sẽ thay đổi mọi thứ chúng ta đã biết về y học và sinh học.

50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).