Đến bây giờ, He Jiankui có lẽ cũng không ngờ được rằng chỉ vì không nghe một cuộc điện thoại mà toàn bộ kế hoạch của anh giờ đã phải thay đổi hoàn toàn. Trước đó, anh chuẩn bị trước một bài nghiên cứu dự định sẽ được công bố vào sáng thứ Hai, và chuẩn bị tinh thần phát biểu về công trình nghiên cứu của anh tại một sự kiện vô cùng quan trọng vào ngày thứ Tư. Tiếp theo, nhà khoa học Trung Quốc nói chuyện với phóng viên trang AP, và sẵn sàng cho một bài phóng sự trên trang web đầy uy tín ngay trước khi phát biểu trên sân khấu.
He Jiankui biết rằng, với thành tựu của mình, toàn thế giới sẽ dõi theo từng đường đi nước bước nên đã chuẩn bị sẵn sàng toàn bộ kế hoạch truyền thông. Chỉ tiếc một điều, một biên tập viên ngành y sinh của tờ MIT Technology Review đã phá hỏng hoàn toàn kế hoạch từ trong trứng nước.
Trong lần công tác đến Trung Quốc, biên tập viên Antonio Regalado đã nghe phong thanh tin đồn về việc phòng thí nghiệm của He Jiankui, ở Trường đại học khoa học công nghệ phía Nam, Thẩm Quyến đang thực hiện những thí nghiệm chỉnh sửa gene trên bào thai người. Regalado tìm kiếm trên Google, với từ khóa “He Jiankui” và “CCR5” (đoạn ADN được chỉnh sửa), kết quả ra những tài liệu ghi danh làm thí nghiệm y tế với nội dung tìm kiếm những cặp đôi để tạo ra đứa trẻ sơ sinh có bộ gen được con người chỉnh sửa đầu tiên trên thế giới.
Sáng chủ nhật 25/11/2018, Relagado gọi cho He để hỏi về những tin đồn liệu có chính xác hay không, hay đã có đứa trẻ nào là kết quả của cuộc nghiên cứu ra đời hay chưa. He đã từ chối bình luận. Và biên tập viên tờ Technology Review ngay lập tức xuất bản bài viết của mình, đưa ra những vấn đề và nguy cơ khi chỉnh sửa gen trong bào thai con người, cùng với đó là dẫn lời vài nhà khoa học phản đối ý tưởng.
Một hội nghị thế giới tổ chức năm 2015 về chủ đề chỉnh sửa gen đã đi đến thống nhất rằng, trong khi các khoa học gia có thể sử dụng bào thai người để nghiên cứu, họ không được phép biến bào thai đó trở thành con người nhờ quá trình mang thai. Nguy cơ dành cho những đứa trẻ đó là rất cao, vì công cụ để chỉnh sửa gen chưa đủ chính xác. Đến kỳ hội nghị lần thứ 2 sắp tổ chức ở Hồng Kông vào ngày 29/11/2018, công bố của He Jiankui chẳng khác gì xé toạc những gì các nhà khoa học toàn thế giới đã đồng thuận.
Chỉ vài giờ sau khi Regalado xuất bản bài viết, Marilynn Marchione của AP cũng đưa tin về cặp song sinh Nana và Lulu. Không mù mờ như Regalado, Marchione đã có được những thông tin chính xác từ chính He, và nội dung bài viết cũng cụ thể hơn rất nhiều: He cùng các đồng sự đã tạo ra hai đứa bé đầu tiên bằng công nghệ chỉnh sửa gen, cắt bỏ gen CCR5 và nhờ đó cho phép hai cô bé miễn nhiễm hoàn toàn với virus HIV.
Giống như Regalado, Marchione cũng đã nói chuyện với những khoa học gia cho rằng công trình nghiên cứu của He là làm trái với đạo đức, và trong bài viết trên AP, cô cũng đưa ra những mối lo ngại rằng khi gen CCR5 bị biến đổi, con người sẽ có nguy cơ nhiễm các loại virus khác dễ dàng hơn, chẳng hạn như siêu vi trùng West Nile.
He Jiankui không tính được việc báo giới chú ý đến mình sớm như vậy, nhưng vẫn có chuẩn bị trước. Ngay sau khi bài viết của AP được đăng tải, He đăng 5 đoạn video clip lên YouTube, tuyên bố rằng Lulu và Nana “vẫn khỏe mạnh như rất mọi em bé khác”. Trong một đoạn clip, anh đưa ra những luận điểm mình cho rằng nên là 5 tiêu chí đạo đức cho công nghệ sản khoa, mà trong đó có cả chỉnh sửa gen.
Trong một đoạn clip khác, He tự bào chữa vì biết rằng mình sẽ bị một số người phản đối: “Tôi tin rằng nhiều gia đình thực sự cần công nghệ mới, và tôi sẵn sàng bị chỉ trích để họ có thể dùng những công nghệ đó”. He đã sử dụng cụm từ “phẫu thuật” (surgery) thay vì “chỉnh sửa” (editing) gen.
Tất cả những điều đó xảy ra trong vòng vài giờ, và nó là một trong những công bố gây xôn xao dư luận nhất ngành y khoa nhiều năm qua. Ai cũng tin rằng nếu có một phòng lab đủ khả năng làm điều này, chúng nên nằm ở những trường đại học hoặc những cơ sở nghiên cứu thuộc top đầu trên thế giới, chứ không phải một phòng lab của một trường đại học ít ai biết ở đông nam Trung Quốc.
Lượt view của những bài viết và clip YouTube là vô cùng khủng khiếp, gần như ngay lập tức làn sóng tranh cãi và phản đối cũng bùng lên dữ dội. Đại đa số các nhà khoa học trên thế giới đều lên tiếng phản đối thí nghiệm của He. Báo giới và các kênh truyền thông cũng có động thái tương tự.
Như trang South China Morning Post đã ngay lập tức gọi cho Bộ Y Tế Trung Quốc, trường đại học nơi He làm việc, bệnh viện nơi He cho biết hai cô bé Lulu và Nana chào đời, và cả những thành viên của ủy ban đã đồng ý cho phép He tiến hành thí nghiệm. Kết quả là không một ai biết về chi tiết cuộc thí nghiệm đang diễn ra của He, không ai biết He đã có đủ giấy phép để thực hiện điều đó chưa, và cũng chẳng một ai biết nguồn kinh phí tiến hành thí nghiệm của anh đào từ đâu ra.
Và, rất nhanh, mọi người chuyển hướng chỉ trích. Thay vì cho rằng thí nghiệm của He Jiankui là phi đạo đức, họ lại nghi ngờ tuyên bố của anh và cho rằng chẳng có đứa bé nào hết. Regalado đưa ra nghi vấn: “Thông thường sẽ phải có báo cáo kết quả cuộc nghiên cứu. Nhưng chỉ có một thông cáo báo chí ngắn cụt ngủn. Ai cũng nói về hai đứa trẻ sơ sinh nhưng đã có ai thấy hình ảnh của chúng chưa? Phải chăng anh ta đang gian dối? Chúng ta đều chưa biết thực hư thế nào cả”
Một trường hợp tương tự từng xảy ra hồi năm 2003 khi Clonaid, một tổ chức chuyên về sinh sản vô tính tuyên bố đã nhân bản thành công một cô bé có tên Eve. Không một tấm hình của Eve được công bố, và báo giới cũng nghi ngờ về tuyên bố của tổ chức có trụ sở tại Mỹ.
Tuy nhiên, theo Regalado, nếu Lulu và Nana là sản phẩm của trí tưởng tượng thì mọi chuyện đã tốt. Vấn đề đáng lo ngại nhất là He thực sự đã góp sức để tạo ra hai đứa trẻ nhờ công nghệ CRISPR, vì nó không khó thực hiện chút nào, chỉ là không hề chính xác và dễ đem lại nhiều hậu quả khủng khiếp cho hai đứa trẻ, nếu chúng thật sự tồn tại.
Và hiện nay, ngay cả sự nghiệp của He Jiankui cũng đang bị đe dọa khi bộ Y Tế Trung Quốc nhập cuộc. Nếu He lừa tất cả mọi người, anh sẽ bị quên lãng rất nhanh, không một ai nhớ đến nữa, giống hệt như Hwang Woo-suk hồi giữa những năm 2000 bị phanh phui việc làm giả bằng chứng của nghiên cứu tế bào gốc. Sau đó, Hwang đã bị đuổi khỏi trường đại học Seoul và đi tù vì tội tham ô và trái đạo đức nghề nghiệp.
Nhưng, nếu nghiên cứu của He là có cơ sở và đã tạo ra kết quả là hai cô bé Lulu và Nana thật sự, anh vẫn sẽ bị giới nghiên cứu toàn thế giới căm ghét vì khiến công nghệ chỉnh sửa gen trở nên lệch lạc trong mắt mọi người.
- Từ khóa :
- Công Nghệ Chỉnh Gen
Gửi ý kiến của bạn