Các Cách Làm Việc Đa Nhiệm Để Tránh Phá Hủy Não Bộ

20 Tháng Mười Hai 201812:47 SA(Xem: 5155)
Các Cách Làm Việc Đa Nhiệm Để Tránh Phá Hủy Não Bộ
Các Cách Làm Việc Đa Nhiệm Để Tránh Phá Hủy Não Bộ

Tất cả chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên đa nhiệm. Đó là nhờ công nghệ phát triển đến độ giúp chúng ta gửi được email trong khi đi dạo, nhắn tin cho người thân khi đang làm việc và chơi game trong giờ học.

 

Chúng ta có thể nói chuyện videocall với ai đó, trong khi tay vẫn cuộn Facebook. Hoặc có thể vừa đọc báo vừa nhập dữ liệu vào Excel. Trong nhiều môi trường làm việc, khả năng đa nhiệm còn là bắt buộc. Sếp sẽ thích mẫu nhân viên vừa nói chuyện được với khách hàng, đặt lịch hẹn và lên kế hoạch cùng một lúc. Thật không may, làm việc đa nhiệm cũng tiềm ẩn những tác hại. Theo một nghiên cứu được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, làm việc đa nhiệm sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho các tế bào não của chúng ta.

 

Thí nghiệm của các nhà khoa học chứng minh những người phải làm việc đa nhiệm liên tục chuyển đổi giữa các tab và ứng dụng trên máy tính - cuối cùng bị giảm khả năng ghi nhớ. Chuyên gia tâm lý Joshua Ehrlich, chủ tịch công ty tư vấn và huấn luyện doanh nghiệp Global Leadership Council cho biết: “Hình ảnh quét não cho thấy làm việc đa nhiệm liên tục và kéo dài sẽ làm mòn vỏ não trước trán. Nghĩa là phần não bộ mà ta cần cho sự tập trung – trong thần kinh học được gọi là chức năng điều hành, giúp ta có được sự chú ý vào thứ gì đó, lên kế hoạch và ra quyết định – sẽ bị rán cháy. Làm việc đa nhiệm giống như một chất độc thần kinh”

 

Phát hiện mới chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải lo lắng, những người đang có một công việc đòi hỏi phải có “ba đầu sáu tay” mới giải quyết hết được. Vậy làm thế nào để những người nghiện làm việc đa nhiệm bảo vệ được não bộ của mình? Sau đây là 6 lời khuyên từ các chuyên gia dành cho quý vị:

 

1. Tự đánh giá khả năng làm việc đa nhiệm của mình:

 

Điều đầu tiên cần nhớ và cũng là điều quan trọng nhất, quý vị phải biết não bộ không được thiết kế để làm việc đa nhiệm. Làm quá nhiều việc một lúc vừa có thể phá hủy não bộ trong dài hạn, vừa có thể tạo ra những rắc rối ngắn hạn. Gordon Logan, giáo sư tâm lý học tại Đại học Vanderbilt cho biết: “Nếu ta bắt ai đó làm hai việc cùng một lúc, họ sẽ luôn gặp một số trở ngại. Ngay cả việc đơn giản như đọc một chữ cái, nếu 2 chữ xuất hiện cùng một lúc, ta sẽ đọc chúng khó hơn là khi chúng xuất hiện lần lượt, từng chữ một”

 

Và trong khi nhiều người tự vỗ ngực rằng họ có khả năng làm việc đa nhiệm rất tốt, thực tế, các chuyên gia nói rằng chỉ khoảng 1% dân số được xếp vào nhóm siêu đa nhiệm, những người đặc biệt này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ đồng thời mà không làm giảm chất lượng công việc. Michael K. Gardner, giáo sư tâm lý giáo dục tại Đại học Utah giải thích: “Mọi người luôn tự đánh giá quá cao khả năng làm việc đa nhiệm của chính mình. Khoảng 50% mọi người cho rằng họ là những người đa nhiệm tuyệt vời, nhưng thực tế chỉ có 1% làm được, vì vậy 49% mọi người đang tự lừa dối mình”

 

Năng lực làm việc siêu đa nhiệm có thể do gen quyết định, vì vậy, dù nghĩ rằng mình đã được đào tạo tốt đến đâu đi chăng nữa, nhiều khả năng quý vị đang tự đánh giá quá cao khả năng  của mình. Hãy chấp nhận sự thật nếu ta không thể làm việc đa nhiệm tốt, bởi tự đại và cố gắng vượt qua khả năng của mình sẽ làm tổn hại não bộ nhiều hơn.

 

2. Cai nghiện những cú nhấp chuột và tạo ra những khoảng tập trung từ ngắn đến dài

 

Sẽ rất khó để tập trung vào một việc duy nhất khi ta đã quá quen với làm việc đa nhiệm. Quý vị đã nghiện việc chuyển từ tab này sang tab khác, nhìn màn hình máy tính rồi chuyển sang điện thoại một cách liên tục. Nhưng nếu bắt đầu huấn luyện não bộ mình để cai ngay từ bây giờ, quý vị có thể làm được và giảm bớt sự ngứa ngáy của não bộ, ngăn cho nó không tạo ra những cú nhấp chuột điên cuồng.

 

Gardner khuyên mọi người nên dành ít nhất 15 phút cho một nhiệm vụ bất kỳ, trước khi họ có ý định chuyển qua lại nhiệm vụ khác: “Tôi sẽ cố gắng giữ sự tập trung dài hơn, bởi vì mỗi lần ta chuyển đổi nhiệm vụ, não bộ sẽ tốn một lượng tài nguyên khi nó yêu cầu phải tổ chức lại. Nhiều người sẽ không muốn tiêu tốn chi phí đó mỗi phút. Hãy cố gắng tập trung trên một nhiệm vụ ít nhất 15 phút. Thế vẫn còn hơi ngắn nhưng cũng ổn rồi, tập trung làm mỗi việc trong 1 giờ là tốt hơn cả".

 

3. Tắt thông báo

 

Một trong những lý do khiến chúng ta làm việc đa nhiệm rất nhiều là vì những cú "ping" nhỏ đến từ rất nhiều ứng dụng khác nhau. Chúng khiến mọi người phân tâm và hút lấy sự chú ý của chúng ta. Logan cho biết: “Khi tôi đang tập trung vào một công việc, một thông báo email bật lên màn hình và rồi tôi nhìn vào nó. Vậy là tôi đã tự làm gián đoạn công việc của mình. Cho nên, một trong những vấn đề đẩy chúng ta vào cơn nghiện làm việc đa nhiệm, đơn giản là ta bị gián đoạn quá nhiều”. Và thực tế, hầu hết những thứ gây ra gián đoạn đó là việc ta có thể làm sau được, không vội.

 

Gadner giải thích thêm: “Hãy tự hỏi bản thân: Có bao nhiêu trong số những thông báo là thứ ta thực sự phải phản hồi lại [so với những thông báo] mà ta đã được lập trình để tin rằng mình phải phản hồi? Lúc nào cũng vậy, có một thứ gì đó cực kỳ quan trọng mà ta cần phải đáp ứng, vì vậy ta sợ bỏ lỡ nó. Mặt trái là 90% không thuộc nhóm này, nhưng ta vẫn tiếp tục kiểm tra những thông báo”

 

Bởi vậy, hãy tắt tất cả những thông báo, email, tin nhắn, Facebook thậm chí là cả chuông điện thoại đi. Nếu không muốn bỏ lỡ email hay tin nhắn từ một ai đó, hãy dùng phần mềm Slack để tạo ra những danh sách ưu tiên. Hãy chắc chắn rằng gia đình và bạn bè biết họ có thể gọi cho chúng ta trong trường hợp khẩn cấp, còn nếu không, ta không cần phải trả lời họ ngay lập tức.

 

4. Kiểm tra email mỗi giờ một lần là đủ

 

Ngay cả khi tất cả thông báo của chúng ta bị tắt, điều quan trọng là ta vẫn cần tự hạn chế những khoảng thời gian gián đoạn, như việc kiểm tra email chẳng hạn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một người bình thường kiểm tra email của họ khoảng 15 lần một ngày - nhưng trừ khi đang chờ đợi một điều gì đó quan trọng hoặc cấp bách, chúng ta có thể có thể cắt giảm các lượt truy cập vào hộp thư đến (Inbox).

 

Mitch Gardner chia sẻ: “Tôi nhận ra rằng mọi người không thể bỏ mặc email trong cả ngày, nhưng chúng ta có thể để chúng sang một bên trong một hoặc hai giờ, và sau đó dành 10 đến 15 phút để trả lời các email phải trả lời. Ta có thể nói cho các đồng nghiệp biết rằng ‘Nếu anh/chị cần liên lạc với tôi, tôi nhất định sẽ trả lời, chỉ là có những khoảng thời gian tôi tắt màn hình và chưa đọc email”

 

Ngay cả khi đó là sếp gửi email, ta cũng không nhất thiết phải trả lời ngay. Erlich giải thích: “Khi tôi huấn luyện và giảng dạy trong các chương trình của mình, mọi người sẽ nói là ‘Vâng, sếp của tôi hy vọng tôi sẽ phản hồi ngay lập tức’. Nhưng sau đó, khi tôi nói chuyện với các ông sếp, họ nói, 'Không, thực ra tôi đã thuê nhân viên để suy nghĩ và làm việc, vậy nếu việc kiểm tra email liên tục cản trở điều đó, tôi không muốn họ trả lời lập tức làm gì”

 

Vậy, hãy xóa bỏ suy nghĩ cần trả lời email của sếp ngay lập tức. Nếu sếp đang giao cho ta một nhiệm vụ, họ sẽ rất hài lòng khi biết ta tập trung vào đó thay vì vào họ.

 

5. Đóng bớt các tab đang mở

 

Khi chúng ta đang mở một loạt các tab cùng một lúc, chúng sẽ tạo ra rất nhiều cám dỗ khiến ta ngứa ngáy và bật đi bật lại các tab trong vô thức, mà thực tế là chúng không cần thiết. Nếu giảm thiểu các tab không cần hoặc đóng chúng hoàn toàn, chúng ta có thể khiến não bộ tập trung hơn. Nếu đóng Facebook, não sẽ không tự hỏi "Liệu có cái gì mới trên đó không?". Nếu đóng Messenger, ta sẽ không tò mò việc có ai nhắn tin cho mình không.

 

6. Thực hành tập trung

 

Theo Ehrlich, việc rèn luyện bộ não sao cho nó có thể tạm thời tắt đi một lúc có thể giúp giảm bớt các hiệu ứng nguy hiểm mà làm việc đa nhiệm gây ra. Ông giải thích: “Làm việc đa nhiệm là chất độc thần kinh đối với vỏ não trước trán. Nhưng khi tôi thực tập chánh niệm, tập trung và có mặt để làm một việc tại một thời điểm, khu vực đó sẽ dày lên. Nó không có tác dụng ngay lập tức. Nó cần hàng nghìn giờ và rất nhiều lần thực hành. Nhưng thực tế là làm việc đa nhiệm trong thời gian dài khiến cho việc tập trung trở nên khó khăn hơn và chánh niệm thì ngược lại, làm tăng sự tập trung”

 

Quý vị có thể thử các bài tập thiền, yoga hoặc tập trung vào hơi thở, nhưng cũng có thể chỉ cần rời khỏi màn hình và đi bộ loanh quanh. Mỗi khi chúng ta chuyển sự chú ý của mình về hiện tại, đến những gì chúng ta muốn làm, điều đó sẽ củng cố sức mạnh ý chí của chúng ta, sự tập trung của bộ não. Hãy tự đặt ra câu hỏi: Điều gì là điều quan trọng nhất cần làm ngay bây giờ? Mình có đang làm việc đa nhiệm không? Đó có thực sự là những gì mình muốn làm? Nếu chúng ta tự hỏi mình rằng đâu là ưu tiên quan trọng nhất, chúng ta sẽ tập trung tốt hơn.

50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).