Nỗ Lực Thanh Lọc Bầu Trời Ở Thủ Phủ Than Trung Quốc

24 Tháng Mười Hai 20198:30 CH(Xem: 4524)
Nỗ Lực Thanh Lọc Bầu Trời Ở Thủ Phủ Than Trung Quốc
Nỗ Lực Thanh Lọc Bầu Trời Ở Thủ Phủ Than Trung Quốc

Tại làng Qiaoli, tỉnh Sơn Tây, khẩu hiệu "Bảo vệ trời xanh, cùng nhau hít thở" được sơn trên bức tường quanh khu đất chứa những lò than bỏ đi.

Số lò than cũ được loại bỏ sau khi chính phủ Trung Quốc hồi tháng 03/2017 ra nghị quyết khuyến khích sử dụng khí gas tự nhiên, loại nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn, trong nỗ lực chấm dứt tình trạng đốt than mất kiểm soát để sưởi ấm và phục vụ kinh doanh.

Chính phủ đặt ra các bước cụ thể để thực hiện nghị quyết, cùng nhiều hình thức phạt với những người vi phạm. Kế hoạch đầu tiên được tiến hành tại khu vực Bắc Kinh, sau đó mở rộng ra khắp miền bắc đất nước. Mục tiêu là cắt giảm khí nhà kính và hạn chế ô nhiễm không khí xuất phát từ từng hộ gia đình.

Nỗ lực giảm đốt than của chính phủ thúc đẩy gần 13 triệu hộ gia đình ở phía bắc Trung Quốc chuyển sang dùng lò điện hoặc gas kể từ năm 2016. Tỉnh Hà Bắc, trung tâm luyện thép của Trung Quốc, đặt mục tiêu 1.8 triệu hộ gia đình bỏ đốt than trong năm 2019. Tỉnh Hà Nam, một trong những nơi ô nhiễm nhất cả nước, cũng phấn đấu tới cuối năm có 2 triệu hộ chuyển sang hệ thống sưởi bằng khí gas hoặc điện.

Chiến dịch của Trung Quốc được cho là hiệu quả khi bầu trời trở nên trong xanh hơn tại Bắc Kinh và nhiều thành phố khác, bao gồm Thái Nguyên, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây, địa phương sản xuất nhiều than nhất Trung Quốc. Người dân tỏ ra ủng hộ sự thay đổi, dường như xuất phát từ nỗi lo ngại tác động của ô nhiễm tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bảo tàng Than đá Trung Quốc ở Thái Nguyên cho biết trong đoạn video giới thiệu với du khách: “Chúng ta nên trân trọng kho báu phải khó khăn mới đạt được”.

27 mỏ than tại tỉnh Sơn Tây đã đóng cửa trong năm 2017. Thành phố Thái Nguyên cũng cấm các cá nhân và doanh nghiệp bán, vận chuyển hoặc sử dụng than. Tại làng Qiaoli, nhiều đường ống màu vàng dẫn khí gas "rồng rắn" quanh những ngôi nhà gạch cũ, cung cấp năng lượng cho các lò sưởi mà chính quyền địa phương lắp đặt miễn phí cho người dân.

Ngôi làng nằm ở ngoại ô Lâm Phần, nơi từng bị xếp hạng một trong những thành phố ô nhiễm nặng nhất thế giới, hậu quả sự bùng nổ không kiểm soát của thép và các ngành công nghiệp khác nhờ nằm gần nguồn nhiên liệu.

Giống như phần lớn vùng đông bắc Trung Quốc, ngay cả nơi đây cũng được tận hưởng bầu không khí trong lành hơn. Li Lihu, một cư dân về hưu, gọi sự "quay lưng" với than là dấu hiệu tiến bộ của Trung Quốc, nói thêm rằng người dân địa phương đều vui mừng vì được giải thoát khỏi ô nhiễm không khí.

Theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích năng lượng tại tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace chi nhánh Bắc Kinh, mật độ bụi mịn PM 2.5 ở tỉnh Sơn Tây đã giảm 20% trong ba tháng cuối năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 sau chiến dịch loại bỏ lò than. Tại Bắc Kinh, chỉ số cũng giảm khoảng 54% trong cùng giai đoạn.

Về lâu dài, chiến dịch còn có thể mang lại tác động ở mức độ toàn cầu, giúp củng cố cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc hợp tác quốc tế để ứng phó biến đổi khí hậu bằng cách giảm lượng khí thải. Myllyvirta cho biết: “Nó chắc chắn đã tác động lớn tới chất lượng không khí, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành sản xuất than trong tương lai”, và nói thêm rằng những thành tựu của Bắc Kinh cho thấy quyết tâm rất lớn.

Tuy nhiên, trong khi một số người kỳ vọng lệnh cấm than sẽ giúp giảm ô nhiễm trong nhà, chuyên gia Ellison Carter của Đại học Colorado, Mỹ chỉ ra rằng ô nhiễm không khí là một vấn đề phức tạp và đa tầng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thêm vào đó, giảm đốt than trong phạm vi hẹp ảnh hưởng ít, hoặc không tác động gì tới mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời nếu những nơi lân cận vẫn đốt.

Theo bình luận viên Steven Lee Myers của NY Times, các hộ gia đình và đơn vị kinh doanh chỉ dùng khoảng 6% than của Trung Quốc, nhưng họ không có hệ thống lọc như những nơi tiêu thụ lượng than lớn hơn, chủ yếu là các nhà máy nhiệt điện. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm sử dụng than trong gia đình và các cửa hàng không đóng vai trò lớn trong giảm khí thải liên quan đến than.

Chiến dịch thúc đẩy giảm lượng lò than của chính quyền Trung Quốc cũng còn nhiều bất cập. Tại một số nơi, lò than bị loại bỏ trước khi lò sưởi mới được lắp đặt, khiến hàng chục nghìn người phải chịu rét vào mùa đông 2017 do đợt lạnh đầu tiên đến sớm hơn bình thường. Việc nhiều địa phương đồng loạt chuyển sang dùng khí gas khiến cầu vượt quá cung, không đủ nhiên liệu mới cho người dân và giá cả tăng vọt.

Hàng nghìn khiếu nại về vấn đề sưởi ấm xuất hiện trên mạng xã hội, trong đó có một bức ảnh được lan truyền rộng rãi cho thấy một trường học ở tỉnh Hà Bắc phải mở lớp dưới ánh nắng ngoài trời bởi hệ thống sưởi trong phòng không hoạt động.

Làn sóng phản đối gay gắt đến mức chính quyền phải hoãn thi hành nghị định và nới lỏng phần nào các hạn chế, như cho phép những nơi hệ thống sưởi bị hỏng sử dụng than trở lại. Hà Bắc phải hoãn kế hoạch loại bỏ than hoàn toàn tới năm 2020, trong khi thủ đô Bắc Kinh cũng tạm dừng chính sách cấm dùng than.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn trong quá trình thực thi, giới chuyên gia đánh giá chính phủ Trung Quốc sẽ không lùi bước trước mục tiêu giảm sử dụng than sau nhiều thập kỷ quá trình công nghiệp hóa được ưu tiên hơn vấn đề môi trường. Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc cũng đặt ra những kế hoạch để tiếp tục giảm ô nhiễm tới năm 2020.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Energy hồi tháng 05/2019, công trình của nhóm chuyên gia do nhà khoa học xã hội Christopher Barrington-Leigh thuộc Đại học McGill, Canada, dẫn đầu, các hộ gia đình thu nhập cao và trung bình ở Trung Quốc đã ngừng sử dụng than để sưởi ấm đúng như mục tiêu của chính phủ. Điều này mang lại lợi ích toàn diện về nhiệt độ phòng, giảm ô nhiễm trong nhà, tăng mức độ hài lòng với cuộc sống.

Dù vậy, những người thu nhập thấp không được hưởng niềm vui đó. Nhiều cư dân tỉnh Sơn Tây phàn nàn rằng chi phí sưởi ấm bằng khí gas hoặc điện ngày càng cao. Một người cho biết bà tốn gần 400 USD mỗi tháng để giữ ấm cửa hàng của mình, trong khi mức lương trung bình tháng ở Sơn Tây, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, chỉ khoảng 650 USD.

Do đã về hưu, ông Li Lihu nhận được một khoản trợ cấp từ chính quyền địa phương. Ông nói: “Miễn là chính phủ còn trợ cấp, mọi thứ sẽ ổn thôi”. Tuy nhiên, nhiều cư dân khác tại làng Qiaoli không gánh được chi phí phải lén lút dùng than để đốt lò sưởi ấm, trong đó có gia đình của một người họ Zhang.

Dù việc sử dụng than bị cấm tại làng, mặt hàng vẫn được bán trên "chợ đen". Zhang cho biết ông mua than đằng sau một dãy nhà xưởng dường như bị bỏ hoang ở bên ngoài làng. Huang Miaoru, chuyên gia về Trung Quốc tại nhóm tư vấn Wood Mackenzie, nhận định: “Chính quyền vẫn rất muốn chuyển đổi thị trường năng lượng. Nhưng chúng tôi nghĩ do những vấn đề phát sinh, họ sẽ chuyển sang tiếp cận dần dần trong tương lai".

50Vote
40Vote
30Vote
21Vote
11Vote
1.52
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).