Khoảng cuối tháng 12/2019, hãng tin CNBC cho biết, dự báo giá dầu 2020 mà các ngân hàng và công ty tư vấn năng lượng đưa ra là khá đa dạng, nhưng nghiêng về khả năng giá dầu giảm.
Các nhà dự báo cho rằng giá dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - sẽ bình quân trong khoảng 59-70 USD/thùng trong 2020. Các dự báo dựa trên đánh giá khác nhau về tình hình nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ dầu, cũng như việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới nhất của liên minh OPEC+ sẽ được các nước thành viên thực hiện nghiêm túc tới mức nào.
Phần lớn các chuyên gia trao đổi với CNBC tỏ ra bi quan về triển vọng giá dầu năm tới, cho rằng giá bình quân của dầu Brent trong 2020 khó vượt xa mức bình quân 63 USD/thùng trong tháng 11/2019.
Trong một báo cáo công bố tháng 12/2019, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo "giá dầu Brent giao ngay sẽ bình quân 61 USD/thùng trong 2020, giảm từ mức bình quân 64 USD/thùng trong 2019". Báo cáo cũng cho rằng giá bình quân của dầu WTI sẽ thấp hơn khoảng 5,5 USD/thùng so với giá dầu Brent trong 2020.
Báo cáo viết: “EIA dự báo giá dầu thô bình quân trong 2020 sẽ giảm so với 2019, dựa trên dự báo cho rằng lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ tăng, đặc biệt trong nửa đầu năm”
Các nước sản xuất dầu lớn đang có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ tụt dốc của giá năng lượng này. Đầu tháng 12/2019, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối, gồm Nga, tức OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng thêm 500,000 thùng/ngày, từ mức giảm 1.2 triệu thùng/ngày hiện nay. Ngoài ra, Saudi Arabia tự nguyện giảm sản lượng thêm 400,000 thùng/ngày, nâng tổng mức giảm sản lượng của liên minh trong quý 1/2020 lên 2.1 triệu thùng/ngày nhằm hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng nhiều nước trong OPEC+ như Nigeria hay Iraq thời gian qua không hề tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận cắt giảm sản lượng và tình trạng này có thể tiếp diễn trong năm 2020, khiến mục tiêu của liên minh khó trở thành hiện thực.
Ngân hàng Nhật Bản MUFG nhận thấy: “Những dấu hiệu về việc thị trường dầu sẽ dư cung khoảng 0.3 triệu thùng/ngày trong năm 2020, dự báo giá dầu của chúng tôi sẽ ở mức 59 USD/thùng đối với dầu Brent và 55 USD/thùng đối với dầu WTI trong 2020”.
Viện Tài chính Quốc tế (IFF) ở Washington không tin giá dầu sẽ tăng trong năm đầu tiên của thập kỷ tới, cho rằng việc OPEC+ giảm thêm sản lượng có thể không đủ để trung hòa sự dư thừa nguồn cung được dự báo cho 2020.
Một báo cáo ra tháng 12 của IFF cho rằng sản lượng dầu ở mức cao của Mỹ, Canada và Brazil, cộng thêm tình trạng không tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạn chế sản lượng của nhiều nước OPEC+, và nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới còn yếu có thể khiến lượng dầu tồn kho toàn cầu tăng thêm 1.1 triệu thùng/ngày trong 2020.
Theo báo cáo: “Kết quả là, chúng tôi cho rằng giá bình quân của dầu Brent sẽ giảm còn 60 USD/thùng trong 2020 so với mức bình quân 64 USD/thùng trong 2019”. Trái với quan điểm bi quan của các tổ chức dự báo kể trên, một số nhà dự báo như BofA Global Research và JPMorgan Chase dự báo giá dầu bình quân trong 2020 cao hơn mức của 2019.
BofA thừa nhận rằng nhiều nước OPEC+ có thể không tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận trong 2020, nhưng nếu các nước cắt giảm sản lượng đúng con số được phân bổ, cộng thêm vào những diễn biến kinh tế tích cực, chẳng hạn ngành sản xuất toàn cầu khởi sắc và thương chiến Mỹ-Trung tiếp tục xuống thang, thì giá dầu Brent có thể vượt 70 USD/thùng.
JPMorgan nâng dự báo giá dầu Brent trong 2020 lên 64.5 USD/thùng, từ mức dự báo trước đó là 59 USD/thùng.
Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào tháng 03/2020, và quyết định về sản lượng của khối trong lần họp sẽ tùy thuộc vào việc các nước thành viên sẽ tuân thủ thỏa thuận như thế nào trong quý 1.
Nhưng dù giá dầu Brent có đạt bình quân 70 USD/thùng trong 2019, mức giá đó cũng không đủ để cân bằng ngân sách của Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC. Thâm hụt ngân sách của Saudi Aabia được dự báo lên tới 7% trong 2020. Giới phân tích nói rằng Riyadh cần giá dầu trong khoảng 77-78 USD/thùng mới có thể cân bằng được ngân sách.
Gửi ý kiến của bạn