Giá dầu thế giới giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 13/01/2020, khi căng thẳng ở khu vực Trung Đông tiếp tục dịu đi và nhà đầu tư bi quan sau báo cáo cho thấy lượng xăng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0.78 USD/thùng, tương đương giảm 1.2%, còn 64.2 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau giảm 0.96 USD/thùng, tương đương giảm 1.6%, còn 58.08 USD/thùng.
Đây là mức giá chốt phiên thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 03/12/2019. Theo giới phân tích, tỷ suất lợi nhuận gây thất vọng của các nhà máy lọc dầu ở Mỹ trong mùa đông đang gây áp lực giảm giá lên dầu thô. Nhu cầu xăng và dầu sưởi ở Mỹ không cao như dự báo, khiến tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu đi xuống.
Nhà phân tích Tom Kloza thuộc Oil Price Information Services nhận định: “Rất khó để giá dầu tăng cao hơn nếu các nhà máy lọc dầu tiếp tục thua lỗ hay chỉ hòa vốn ở mảng xăng và dầu sưởi”.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng của Mỹ tăng thêm 9.1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 03/01/2020, mức cao nhất 4 năm. Tồn kho các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, cũng tăng 5.3%.
Gần đây, giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất của 4 tháng sau khi Mỹ không kích chết một vị tướng của Iran vào hôm 03/01/2020 và Iran trả đũa bằng cách phóng tên lửa vào căn cứ Mỹ ở Iraq. Tuy nhiên, giá dầu nhanh chóng sụt giảm trở lại khi cả Washington và Tehran cùng lùi bước khỏi bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp.
Trong tuần thứ hai của tháng 01/2020, giá dầu Brent có lúc đạt 71.75 USD/thùng, nhưng chốt phiên ngày thứ Sáu dưới 65 USD/thùng. Theo nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC, với căng thẳng Mỹ-Iran dịu đi, giới đầu tư chuyển tâm điểm chú ý trở lại các vấn đề mang tính căn bản như cung và cầu dầu.
Ông Kilduff cho biết: “Thị trường tiếp tục có cảm nhận rằng nguồn cung dầu đang dư thừa, rằng mùa đông ở bán cầu Bắc không lạnh như mọi năm, nên nhu cầu tiêu thụ dầu sưởi giảm sút”. Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga.
Ngoài ra, triển vọng kinh tế toàn cầu cũng có chiều hướng được cải thiện nhờ sự xuống thang của thương chiến Mỹ-Trung. Theo dự kiến, hai nước sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng. Dù vậy, chiến lược gia Harry Tchilinguirian của BNP Paribas cho rằng kỳ vọng về thỏa thuận Mỹ-Trung đã được phản ánh vào giá dầu, nên việc ký thỏa thuận sẽ không tạo ra một cú huých mới cho giá "vàng đen".
Gửi ý kiến của bạn