RCEP – Hiệp Định Thương Mại Lớn Nhất Thế Giới

15 Tháng Mười Một 20207:15 CH(Xem: 2664)
RCEP – Hiệp Định Thương Mại Lớn Nhất Thế Giới
RCEP – Hiệp Định Thương Mại Lớn Nhất Thế Giới

Hôm Chủ Nhật (15/11/2020), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan tại Hà Nội, Việt Nam.

RCEP có sự tham gia của của 15 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Hiệp định nhằm mục đích giảm thuế quan, tăng cường chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa các quy tắc về thương mại điện tử mới.

“Tôi vui mừng nói rằng sau tám năm miệt mài, đến hôm nay, chúng ta đã chính thức đưa các cuộc đàm phán RCEP đi đến hồi ký kết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của nước chủ nhà Việt Nam cho biết.

Theo trang Bloomberg, việc thông qua hiệp định có thể gây bất lợi cho một số công ty Mỹ và những công ty đa quốc gia khác đến từ các nước ngoài hiệp định, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi các cuộc đàm phán của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – hiện nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bộ trưởng Thương mại Malaysia Azmin Ali gọi đây là "trái ngọt của 8 năm đàm phán đầy mồ hôi và nước mắt".

Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, nhận xét: "Trung Quốc đã phá vỡ những nguyên tắc ngoại giao để đưa RCEP vượt qua ranh giới. Dù RCEP tương đối hẹp, ít nhất so với CPTPP, hiệp định vẫn rất lớn khi bao phủ nhiều nền kinh tế và các loại hàng hóa. Và đây là một hiệp định hiếm hoi trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lên ngôi như hiện nay".

Hiệp định cũng là "thành quả" của những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Bắc Kinh nhằm hội nhập kinh tế nhiều hơn với khu vực kinh tế chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Hơn thế nữa, tác động của hiệp định có thể còn vượt ra khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư diễn ra trực tuyến tại Hà Nội ngày 13/11/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định "không lâu nữa" các nhà lãnh đạo Đông Á sẽ chứng kiến hiệp định RCEP được ký kết. Ông nhấn mạnh: "Việc ký kết RCEP sẽ phát đi tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ và tích cực của nỗ lực thúc đẩy hội nhập trong khu vực và toàn cầu hóa nền kinh tế"

Theo giới phân tích, sự tiến bộ của RCEP cho thấy động thái rút khỏi TPP của ông Trump trước đây đã làm giảm khả năng Mỹ trở thành một đối trọng kinh tế của Trung Quốc trong quan hệ với các nước láng giềng. Thách thức có thể sớm “sang tay” Tổng thống đắc cử Joe Biden nếu ông chính thức được công nhận là người chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.

Theo William Reinsch, một quan chức thương mại trong chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, việc RCEP có thể thay đổi được động lực trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc hay không còn phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ. Reinsch nhận định: "Nếu Mỹ tiếp tục làm ngơ, cán cân sẽ nghiêng về phía Trung Quốc. Còn nếu ông Biden có một kế hoạch hiệu quả để khôi phục sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, thì cán cân này có thể đổi chiều".

Ông Reinsch cũng nhận định dù RCEP không phủ rộng như CPTPP, việc thực thi hiệp định cũng có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với khối hợp tác kinh tế do Trung Quốc hậu thuẫn với tổng GDP hơn 28,000 tỷ USD.

Dù vậy, theo giới phân tích, nhiều quốc gia tham gia hiệp định có thể quan ngại về việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Nhật Bản là một trong những quốc gia đang đánh giá lại chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Và động thái cấm nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng từ Australia của Bắc Kinh càng cho thấy những rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dù việc ông Biden có thể đưa Mỹ gia nhập lại CPTPP hay không vẫn còn là ẩn số, một vài nhà phân tích cho rằng đây là cách tốt nhất để Mỹ củng cố quan hệ đối tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Mary Lovely, giáo sư kinh tế tại Đại học Syracuse, bình luận: "Lựa chọn của ông Biden rất rõ ràng. Việc đưa Mỹ trở lại CPTPP sẽ giúp đảm bảo khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp Mỹ".

Tuy nhiên, theo Deborah Elms, người sáng lập, CEO Trung tâm Thương mại Châu Á (Singapore), RCEP vẫn còn gặp một số vấn đề: "Một số cặp thành viên có thể chưa hoàn tất được các chi tiết cuối cùng trong lộ trình giảm thuế. Đây là những điều khoản được đàm phán song phương, đặc biệt với những sản phẩm nhạy cảm".

Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng phục hồi không đồng đều sau đại dịch Covid-19, khác nhau ở vị thế kinh tế ban đầu, số lượng ca nhiễm và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát dịch, khả năng và mức độ sẵn sàng đưa ra các gói kích thích tiền tệ cũng như tài khóa…

Năm 2019, Ấn Độ bất ngờ rút khỏi RCEP. Thời điểm đó, Thủ tướng Narendra Modi cho biết quyết định được đưa ra để tránh những ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh kế của người dân Ấn Độ, đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Dù rút khỏi, các quan chức Ấn Độ cho biết họ vẫn có thể sẽ gia nhập lại ở một thời điểm khác.

Tháng 06/2020, bộ trưởng thương mại của các nước RCEP đã tái khẳng định quyết tâm ký kết hiệp định trong bối cảnh thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19. Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu tại Perth USAsia Center, cho biết: “RCEP là một nền tảng rất cần thiết để phục hồi sau đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”

50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
16 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Ba (16/02/2021), thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các cường quốc ký hiệp ước toàn cầu để đảm bảo tính minh bạch thông tin cho các đại dịch trong tương lai.
04 Tháng Hai 2021
Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu loại đảng viên Cộng hòa Marjorie Greene ra khỏi hai ủy ban, vì cáo buộc truyền bá thuyết âm mưu thù hận và bạo lực.
04 Tháng Hai 2021
Cơ quan quản lý truyền thông Anh (Ofcom) thu hồi giấy phép phát sóng kênh CGTN của Trung Quốc tại nước Anh, do sai phạm trong sở hữu giấy phép.
03 Tháng Hai 2021
Theo trang DongA Ilbo của Hàn Quốc, Apple được cho là sẽ đầu tư 3,6 tỷ USD vào hãng Kia Motors như một phần trong kế hoạch hợp tác sản xuất Apple Car tại Mỹ.
03 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Tư (03/02/2021), ngoại trưởng Antony Blinken thông báo Mỹ sẽ gia hạn hiệp ước New START với Nga thêm 5 năm, trước khi thỏa thuận hết hạn vào ngày 05/02/2021.
02 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Ba (02/02/2021),Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã bãi nhiệm hàng trăm thành viên trong các ban cố vấn Lầu Năm Góc