Hồi năm 2013, Edward Snowden đã tiết lộ thông tin liên quan đến chương trình theo dõi bí mật, nghe lén của chính phủ Mỹ, trong đó có liên quan tới NSA. Cho đến năm 2018, những vụ bê bối khác liên quan đến Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA đã không còn xuất hiện do NSA đã cảnh giác hơn.
Khoảng đầu tháng 05/2018, theo báo cáo từ Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia ODNI, NSA đã bí mật thu thập dữ liệu nhiều cuộc gọi trên thế giới trong suốt năm 2017. Con số tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Cụ thể, theo báo cáo, NSA đã thu thập hơn 530 triệu cuộc gọi, tăng từ mức 151 triệu cuộc gọi hồi năm 2016. Dữ liệu cuộc gọi bao gồm số gọi tới, số người nhận và thời gian cuộc gọi. Tuy nhiên, dữ liệu thu thập được không bao gồm nội dung liên lạc, tên, địa chỉ, vị trí gọi hay các thông tin tài chính của người gọi.
NSA được phép thu thập hàng trăm triệu dữ liệu mà không bị giới chức Mỹ để mắt đến là nhờ Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài FISA của Mỹ bảo trợ. Cũng trong số dữ liệu thu thập được, có những cuộc gọi không phải của công dân Mỹ. Điều này đã được quy định trong Mục 702 của Đạo luật FISA. Đây cũng là mục gây tranh cãi nhất, vì nó cho phép một tổ chức hoặc cá nhân giám sát và thu thập thông tin về những kẻ khủng bố, điệp viên nước ngoài.
Thông tin thu thập được có thể lưu trữ lại và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau không liên quan đến an ninh quốc gia. Trong năm 2017, số lượng mục tiêu trong tầm ngắm của NSA lên tới 129,000 trường hợp, tăng từ mức 89,000 hồi năm 2013. Nhiều nhà lập pháp, công ty công nghệ và hàng triệu người Mỹ đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có lời trần tình minh bạch, đặc biệt sớm ban hành Đạo luật FISA sửa đổi. Hiện phía NSA chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin.
- Từ khóa :
- NSA
- ,
- thu thập dữ liệu
- ,
- chính phủ Mỹ
Gửi ý kiến của bạn