Khoảng đầu tháng 12/2019, Phòng Thương mại Châu Âu (EU Chamber of Commerce) tại Trung Quốc cho rằng chiến tranh thương mại đã thất bại trong việc khiến các công ty rời Trung Quốc để tới Mỹ.
Báo cáo của Phòng Thương mại nhận định phần lớn doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc đã tìm được cách né, hoặc giảm thiểu chi phí do thuế nhập khẩu. Một số công ty lớn đã thay đổi dây chuyển sản xuất, chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc để tới các nước mới nổi gần đó, như Đông Nam Á hay Ấn Độ. Số khác lại chuyển hết chuỗi sản xuất về đây, để tránh phải trả thuế khi giao dịch xuyên biên giới. Việc này đi ngược lại mục tiêu của Mỹ khi áp thuế, là ngăn cản đầu tư vào Trung Quốc.
Trong khi đó, các công ty vừa và nhỏ, đặc biệt là một số sản xuất hàng chất lượng cao, cũng tìm được cách giảm thiểu tác động, như chuyển chi phí cho người tiêu dùng hay thay nhà cung cấp.
Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, cho biết các công ty Châu Âu đã "thích ứng" với chiến tranh thương mại. Cuộc chiến kéo dài 17 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tác động mạnh lên chuỗi cung ứng toàn cầu, thay đổi kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp và kéo tụt niềm tin thị trường. Tuy nhiên, cả Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một để hạ nhiệt căng thẳng.
Wuttke gần như không hy vọng rằng thỏa thuận giai đoạn một có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia khác. Trung Quốc và Mỹ đang nỗ lực đạt thỏa thuận sơ bộ, trước khi vòng thuế mới của Mỹ có hiệu lực ngày 15/12/2019. Ông nhận định: “Có khi phải đến đời con tôi, họ mới ký được giai đoạn 2”. Giai đoạn sau tham vọng hơn, nhắm đến các vấn đề cấu trúc hơn giữa hai nước.
Bên cạnh đó, dù các công ty lớn của Châu Âu có thể né được căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, họ cũng không hưởng lợi hơn từ việc này. Wuttke cho biết thêm: “Tôi chưa thấy báo cáo trường hợp nào có lợi cả”
Gửi ý kiến của bạn