Hôm thứ Năm (03/12/2020), Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cáo buộc Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất với tự do và dân chủ toàn cầu kể từ Thế chiến II", trong bối cảnh Washington siết chặt thị thực đi lại cho các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong bài bình luận trên Wall Street Journal, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe cáo buộc Trung Quốc đánh cắp bí mật kinh doanh và công nghệ quốc phòng của Mỹ. Ông viết: "Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ ngày nay, là mối đe dọa lớn nhất đối với tự do và các nền chủ trên toàn thế giới kể từ Thế chiến II"
Ông cũng cho rằng Trung Quốc dùng các hoạt động của gián điệp thông qua áp lực kinh tế để gây ảnh hưởng hoặc gây tổn hại cho các nghị sĩ Mỹ. John Ratcliffe cáo buộc: "Hoạt động tình báo của chúng tôi cho thấy Bắc Kinh thường xuyên chỉ đạo loại hoạt động gây ảnh hưởng ở Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện quyền kiểm soát của chính phủ đối với các công ty và phá hoại quyền riêng tư, tự do của công dân"
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc đảng viên Trung Quốc "thù địch với các giá trị của Mỹ", tham gia vào "các hoạt động bất chính". Theo các quy định mới có hiệu lực ngay lập tức, thị thực được cấp cho đảng viên Trung Quốc và gia đình họ sẽ chỉ có giá trị một tháng và áp dụng cho một lần nhập cảnh. Trước đây, một số thị thực cho phép nhập cảnh không giới hạn và có thể có giá trị trong 10 năm.
Theo số liệu năm 2019, Trung Quốc có 92 triệu đảng viên trên khắp cả nước. Do đó, quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ về thị thực cho đảng viên và gia đình có thể ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa chính quyền Trump và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng, với việc Tổng thống Mỹ thường xuyên đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát đại dịch Covid-19, cáo buộc quan chức Trung Quốc lẽ ra có thể hành động sớm hơn để ngăn chặn virus lây lan. Hai cường quốc kinh tế cũng mâu thuẫn về loạt vấn đề như thương mại, thuế quan, Hong Kong, Biển Đông và Đài Loan.
Cả hai nước đều tăng cường hạn chế đi lại đối với công dân của nhau. Mỹ đã đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vào tháng 07/2020, gọi đây là trung tâm gián điệp và quấy rối công dân Trung Quốc tại Mỹ. Để trả đũa, Bắc Kinh đã ra lệnh cho Hoa Kỳ dời lãnh sự quán của họ ở Thành Đô.
Động thái của Ratcliffe được coi là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của chính quyền Tổng thống Trump nhằm cảnh báo những vấn đề đáng lo ngại về mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, cũng như xây dựng đồng thuận và cảnh giác về ý định của Trung Quốc trong việc "soán ngôi" Mỹ để trở thành siêu cường thống trị thế giới.
Chính quyền Trump cũng đã đưa thêm các doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen các công ty mà họ cho là có quan hệ với quân đội Trung Quốc, gồm một nhà sản xuất chip hàng đầu và nhà sản xuất dầu khí quốc gia.
Phía Trung Quốc nói rằng việc Mỹ xem xét các hạn chế đi lại cho thấy "lòng căm thù và suy nghĩ bất thường". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay: "Do thành kiến ý thức hệ mạnh mẽ và tâm lý Chiến tranh Lạnh bám rễ sâu, một số lực lượng cực đoan chống Trung Quốc ở Mỹ đang đàn áp Trung Quốc về mặt chính trị. Đây là sự leo thang đàn áp chính trị nhằm vào Trung Quốc và Trung Quốc kiên quyết phản đối".
- Từ khóa :
- Mỹ
- ,
- Trung Quốc
- ,
- thế giới
Gửi ý kiến của bạn