Khi năm 2020 sắp kết thúc, việc phê duyệt theo quy định đối với vaccine Covid-19 đã làm dấy lên hy vọng thế giới có thể đánh bại đại dịch vào năm 2021. Những thách thức trong sản xuất và vận chuyển vaccine Covid-19 cho thấy nhân loại còn cách vạch đích đánh bại đại dịch rất xa.
Hôm thứ Hai (21/12/2020), Châu Âu nối tiếp Anh và Mỹ bật đèn xanh cho vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Giống vaccine của Moderna đã được Mỹ phê duyệt, sản phẩm của Pfizer chứng minh được hiệu quả 95% trong các cuộc thử nghiệm quy mô lớn.
Việc vaccine được phê duyệt nhanh chóng chỉ một năm sau khi Covid-19 bùng phát là minh chứng cho nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết đại dịch đã khiến hơn 1,7 triệu người chết, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế và cuộc sống con người. Khi đại dịch lan khắp toàn cầu, các nhà khoa học xác định những ứng viên vaccine tiềm năng chỉ trong vài tuần, chứ không mất vài năm như thông thường, và đến nay hàng triệu liều vaccine đã được đưa khỏi nhà máy.
Tuy nhiên, quá trình diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chịu đựng một mùa đông ảm đạm, số ca nhiễm gia tăng, biến thể mới của virus xuất hiện tại Anh và nhiều quốc gia đã áp đặt hạn chế mới lên việc đi lại và cuộc sống hàng ngày.
Loại vaccine thứ ba của AstraZeneca và đại học Oxford cũng chứng minh có thể ngăn ngừa Covid-19, dù câu hỏi về tính hiệu quả của nó khiến nhà phát triển phải nghiên cứu thêm để được các nhà quản lý phê duyệt. Tuy nhiên, nó vẫn đạt được tiến bộ lớn. Marcel Tannel, chủ tịch Viện Khoa học và Nghệ thuật Thụy Sĩ, thành viên ủy ban chuyên trách Covid-19 của Thụy Sĩ, nói: "Chưa bao giờ có ba loại vaccine đầy hứa hẹn được phát triển trong thời gian ngắn như hiện nay"
Anh và Mỹ đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Các lô hàng đang được chuyển tới Canada, Israel và Mexico. Các nước EU cho biết sẽ bắt đầu tiêm vaccine vài ngày sau Giáng sinh, trong khi Thụy Sĩ và Qatar sẽ cho phép tiêm vaccine Pfizer vào cuối tuần.
Nhưng giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin dự đoán trong thập kỷ tới, "bình thường mới" sẽ là xã hội học cách đối phó với các đợt bùng phát Covid-19 nhỏ lẻ, với nhiều loại vaccine giúp tránh việc phải ngừng các hoạt động kinh doanh và bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải.
Hơn 100 loại vaccine khác đang được nghiên cứu và dữ liệu thử nghiệm một số loại sẽ sớm được công bố. Các chuyên gia vaccine cho hay sẽ cần phải có thêm nhều loại để đáp ứng nhu cầu thế giới, từ nước giàu tới nước nghèo.
Liên đoàn Các nhà Sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế (International Federation of Pharmaceutical Manufacturers and Associations) dự kiến có tới 10 loại vaccine được phê duyệt vào giữa năm 2021, bao gồm hai loại của Mỹ là Johnson & Johnson và Novavax, một loại của Đức là CureVac.
Tuy nhiên, nhiều thách thức lớn đang đặt ra, bao gồm cả việc tăng cường sản xuất. Pfizer dự kiến chỉ sản xuất 50 triệu liều năm 2020, bằng một nửa mục tiêu ban đầu, đủ cho 25 triệu người tiêm hai mũi. Moderna cam kết 20 triệu liều cho Mỹ năm 2020, đủ cho 10 triệu người.
Tốc độ sản xuất vaccine sẽ tăng trong năm 2021 với mục tiêu đạt 1,8 tỷ liều. Các công ty khác cũng đặt mục tiêu tương tự, nhưng số lượng này không đủ cho một thế giới đang "khát" vaccine. Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nói: "Sẽ không đủ vaccine trong một thời gian dài, có lẽ là tới năm 2022"
Đã có những rắc rối ban đầu liên quan tới lưu trữ và phân phối vaccine của Pfizer, loại cần được trữ lạnh ở nhiệt độ âm hàng chục độ C, cũng như một số nhầm lẫn về liều lượng.
Một số nhân viên y tế Anh và Mỹ được tiêm vaccine đã xuất hiện phản ứng dị ứng. Dù thử nghiệm trên hàng chục nghìn người cho thấy công nghệ mRNA mới được Pfizer/BioNTech và Moderna sử dụng có vẻ an toàn, vẫn còn rất nhiều người do dự khi đến lượt tiêm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính cần tiêm phòng cho 60% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng. Các nước đang phát triển hy vọng có thể tiếp cận vaccine thông qua chương trình toàn cầu do WHO hỗ trợ có thể phải chờ đợi, vì các nước giàu đang "ém hàng".
Phương Tây hiện chủ yếu tập trung vào tiêm chủng cho nhân viên y tế tuyến đầu và những người lớn tuổi trong viện dưỡng lão, nơi có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus. 80% trong số hơn 300.000 ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ là người trên 65 tuổi. Christian Muenz, giáo sư về miễn dịch sinh học thuộc Đại học Zurich, cho biết: "Tiêm chủng cho cộng đồng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 ngay cả khi không đạt được miễn dịch cộng đồng"
Nga đã tiêm chủng cho hơn 200.000 người bằng vaccine nội địa Sputnik V, được cho là đạt hiệu quả 91,4%. Nga cũng đã ký hợp đồng sản xuất vaccine với Ấn Độ.
Ở Trung Quốc, vaccine của Sinovac Biotech và hai loại do Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) nghiên cứu đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nhân viên y tế và biên phòng đã được tiêm chủng theo chương trình khẩn cấp. Sinopharm đã ký hợp đồng cung cấp vaccine với Bharain và Các tiểu vương quốc Arab Saudi, cũng như Ai Cập. Còn Sinovac đã ký với Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.
Các loại vaccine khác của Trung Quốc như CanSino Biologics đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Nhưng không phải mọi dự án vaccine đều thành công. Sanofi và GlaxoSmithKline đã hoãn công bố vaccine do không hiệu quả với người cao tuổi. Một dự án của Australia cũng thất bại. Còn vacine của AstraZeneca, loại có hiệu quả 62% trên những bệnh nhân được tiêm đủ hai liều, vẫn còn nhiều nghi vấn.
Eric Topol, người sáng lập Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps có trụ sở tại California, cho hay người ta khó chấp nhận những loại vaccine hiệu quả thấp hơn của Pfizer và Moderna. Topol cho hay: "Chúng ta không thể chấp nhận loại 62% khi đã có loại 95%. Nó đã đủ tốt, ta không cần thêm loại khác".
- Từ khóa :
- Vaccine Covid-19
- ,
- thế giới
Gửi ý kiến của bạn