Khi Facebook và Twitter cấm người dùng và các nhóm ủng hộ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 06/01/2021, lượt tải của một ứng dụng khác là Parler lại tăng lên. Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn việc tổ chức các hành vi tương tự, Google và Apple đã gỡ Parler khỏi các chợ ứng dụng, trong khi Amazon đóng cửa dịch vụ web của Parler.
Trên website của mình, CEO Parler John Matze khẳng định sẽ không khuất phục trước áp lực từ các đối tượng phản cạnh tranh, các công ty mang động cơ chính trị và những kẻ độc tài ghét bỏ tự do ngôn luận.
Trên thực tế, Matze không có nhiều lựa chọn. Mạng xã hội tự do ngôn luận của ông bị Google xem là “nguy cơ đang diễn ra và cấp bách đối với an ninh trật tự”, còn nhân viên Amazon yêu cầu công ty “từ chối mọi dịch vụ Parler cho tới khi nó xóa bỏ bài viết kích động bạo lực và Amazon đã làm theo. Apple cũng nhanh chóng đi theo con đường của các công ty khác.
Với một hệ sinh thái Internet nằm trong tay số ít các Big Tech, ứng dụng không nhiều khả năng sống sót nếu không được tiếp cận các kênh chính thống. Cánh cửa đóng sập với Parler nhấn mạnh quyền lực ngày một lớn mà các doanh nghiệp công nghệ đang nắm giữ. Họ có quyền quyết định điều gì được phép trên dịch vụ và nhanh chóng đưa ra hành động. Trong nhiều năm, Big Tech tránh xa những cuộc tranh luận về quyền lực khi tuyên bố trung lập nội dung. Song tin giả và can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 làm rõ một điều: các công ty cùng thuật toán và cách quản trị nội dung của họ gây tác động lớn tới đời thực.
Giờ đây, dưới áp lực từ các nhà lập pháp, nhà hoạt động nhân quyền và thậm chí nhân viên, Big Tech nhận ra quyền lực và trách nhiệm mà họ phải gánh đối với các cuộc thảo luận công khai trên mạng, bao gồm cả trên ứng dụng họ không tạo ra. Quyền lực ấy lọt vào tầm ngắm của nhà chức trách Mỹ khi Google và Facebook đang phải đối mặt với những vụ kiện chống độc quyền của chính phủ. Đồng thời, họ còn bị chỉ trích vì thiếu nghiêm túc trong hoạt động kiểm duyệt nội dung, quá dễ dãi đối với các lời nói có khả năng kích động bạo lực hoặc phạm pháp trong thế giới thực.
Động thái gần đây của các Big Tech như Facebook và Twitter - cấm vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay cấm Parler của Google, Apple - nhận được sự ủng hộ của chính trị gia và nhà phê bình. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao phải mất quá lâu họ mới ra quyết định như vậy. Bên cạnh đó, nó còn làm dấy lên nhiều lo ngại. Kate Ruane, Cố vấn lập pháp cao cấp tại tổ chức American Civil Liberties Union, cho rằng mọi người nên lo lắng khi các công ty như Facebook, Twitter vận dụng quyền lực chưa được kiểm soát để loại bỏ người khác ra khỏi các nền tảng đã trở thành một phần không thể thiếu với mọi người. Đặc biệt, quyết định loại bỏ diễn ra nhanh hơn với các sự kiện chính trị. Bà hi vọng các công ty áp dụng quy định minh bạch với tất cả mọi người.
Parler vốn đã gặp nhiều trở ngại. Công ty phải cạnh tranh với các dịch vụ lớn hơn nhiều về quy mô như Twitter, Facebook và Instagram. Mạng xã hội chỉ thu hút sự chú ý từ năm 2020. Được Rebekah Mercer, con gái của nhà đầu tư Robert Mercer, một người ủng hộ Trump hỗ trợ, Parler là ứng dụng hàng đầu trên App Store vào ngày 09/01/2021 trước khi bị cấm. Chức năng của Parler khá giống Twitter, nơi người dùng đăng thông điệp ngắn lên bảng tin để người khác theo dõi và tương tác.
Khi Twitter và Facebook tăng cường dán nhãn, xác minh sự thật đối với bài viết của ông Trump những tháng gần đây, một số chính trị gia Đảng Cộng hòa và nhân vật truyền thông nổi tiếng khuyến khích người ủng hộ theo dõi họ trên Parler. Do tập trung vào người dùng cánh hữu, tìm kiếm sự tự do, không bị kìm kẹp bởi các quy định của Big Tech, một số người dùng Parler phàn nàn nó giống như “buồng vọng âm” của những người có tư tưởng giống nhau hơn là nơi để tranh luận như Twitter. Bản thân ông Trump cũng không có tài khoản Parler.
Parler cũng bị phát hiện là nơi để người dùng lên kế hoạch bạo loạn tại Đồi Capital. Twitter cho biết họ tìm thấy bằng chứng về cuộc bạo động mới được lên kế hoạch vào ngày 17/1, còn Facebook nói đã gỡ bỏ 600 nhóm quân sự hóa và cũng cấm những bài viết có nội dung mang theo vũ khí tới các trụ sở chính quyền.
Theo nhà phân tích công nghệ độc lập Bennedict Evans, không bao giờ có cái gọi là “điều tiết hoàn hảo” nhưng có sự khác biệt giữa cố gắng và không. Những vấn đề không liên quan tới mô hình kinh doanh, nó áp dụng với mọi mạng lưới và mô hình.
CEO Parler Matze động viên người dùng tìm cách lách luật, như sử dụng website trên trình duyệt hay cài đặt trên điện thoại Android từ các chợ ứng dụng không phải Google Play. Ông còn kêu gọi họ hủy thuê bao Amazon, ngừng sử dụng Apple, “gọi điện, viết thư và gửi email cho thành viên Quốc hội, nghị sĩ để vạch trần hành vi phản cạnh tranh”.
Ngay cả khi phần xương sống công nghệ đã bị Big Tech vô hiệu hóa, Parler vẫn có thể tồn tại với quy mô nhỏ hơn. Hồi năm 2017, Google từng cấm Gab, một website tự do ngôn luận khác phổ biến trong giới cực đoan cánh hữu, vì vi phạm chính sách phát ngôn thù địch. Năm 2018, Gab bị nhà cung cấp dịch vụ thanh toán PayPal và nhà cung cấp tên miền GoDaddy cấm sau vụ xả súng giết hại 11 người tại một giáo đường Do Thái. Kể từ vụ việc tại Đồi Capitol, Gab liên tục tweet về các lệnh cấm như một biểu tượng danh dự và ghi nhận lượng người dùng, đơn xin việc tăng vọt, phải tăng cường máy chủ mới để duy trì website.
Gab đăng trên Twitter: “Chuyển đổi mô hình sáng các nền tảng mới ủng hộ tự do ngôn luận sẽ diễn ra chỉ sau một đêm”. Gab cũng chúc CEO Parler “may mắn”.
- Từ khóa :
- Big Tech
- ,
- Donald Trump
- ,
- Facbook
- ,
- ,
- Đồi Capitol
- ,
- ,
- Apple
Gửi ý kiến của bạn