Hồng Kông hôm thứ Năm (12/03/2020) đã bác bỏ những chỉ trích của Mỹ đối với các hoạt động nhân quyền của mình, khẳng định rằng họ đã được “cam kết chặt chẽ” duy trì và bảo vệ các quyền tự do.
Hồng Kông đã bị rung chuyển bởi các vụ biểu tình bạo lực trong nhiều tháng kể từ tháng 06/2019, châm ngòi bởi một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, mà hiện đang tạm hoãn.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các vấn đề nhân quyền quan trọng ở Hồng Kông, bao gồm sự tàn bạo của cảnh sát đàn áp người biểu tình, can thiệp vào các cuộc hội họp ôn hòa và hạn chế quyền tham gia chính trị.
Phía chính phủ Hồng Kông phản bác rằng nghĩa vụ của cảnh sát là buộc phải có các hành động thích hợp, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực khi cần thiết, trước những bạo loạn gây nguy hiểm cho trật tự cộng đồng.
Chính quyền thành phố nói trong một tuyên bố: “Quy mô và mức độ bạo lực do những người biểu tình cực đoan đã gây ra là chưa từng có trước đây ở Hồng Kông, và nó đã gây nguy hiểm nghiêm trọng về vấn đề an toàn cá nhân của người dân, trật tự và an ninh cộng đồng”, và thêm rằng “Bảo vệ tự do và các quyền con người là một nghĩa vụ của hiến pháp”.
Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng họ rất coi trọng và cam kết bảo vệ nhân quyền cùng với các quyền tự do khác ở Hồng Kông.
Bộ Ngoại giao Mỹ, trong Báo cáo Quốc gia về Thực hành Nhân quyền, đã lưu ý các ví dụ về sự đàn áp tàn bạo của cảnh sát đối với người biểu tình, bao gồm vụ việc ngày 31/08/2019 khi cảnh sát “xông vào một tàu điện ngầm và đánh đập nhiều cá nhân, bắt giữ một số người”.
Về tự do báo chí, Bộ Ngoại giao Mỹ trích dẫn nhiều nhà báo nói rằng họ bị quấy rối, giam giữ hoặc tấn công khi đưa tin về các cuộc biểu tình, trong đó có trường hợp nhà riêng của nhà hoạt động dân chủ Jimmy Lai, chủ sở hữu tờ báo Apple Daily, đã bị tấn công.
Bộ Ngoại giao cũng đề cập đến các hành vi phá hoại từ phía người biểu tình, bao gồm cả những thiệt hại cho văn phòng của hãng thông tấn Tân Hoa Xã vào tháng 11/2019.
Chính quyền Hồng Kông cho biết quyền tự do ngôn luận và tụ họp trong ôn hòa là khái niệm “không tuyệt đối”: “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định rằng các lệnh cấm và hạn chế có thể được áp đặt theo luật nếu nó cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng, trật tự công cộng hoặc các quyền và tự do của những người khác”.
Tình trạng bất ổn ở Hồng Kông đã phát triển thành lời kêu gọi dân chủ lớn hơn, thúc đẩy bởi những lo lắng về sự xói mòn các quyền được bảo đảm dưới thời “một quốc gia, hai chế độ” khi thành phố trở về dưới quyền cai trị của Trung Quốc vào năm 1997.
Chính quyền Hồng Kông khẳng định bất kỳ cáo buộc nào về kiểm soát chính trị, hạn chế quyền tự do ngôn luận hoặc tước quyền bầu cử là hoàn toàn không có cơ sở.
- Từ khóa :
- Hồng Kông
- ,
- Mỹ
- ,
- Vấn Đề Nhân Quyền
- ,
- Trung Quốc
Gửi ý kiến của bạn