Được thiết kế để nghiên cứu tiềm năng của những máy bay siêu thanh phục vụ mục đích chuyên chở thương mại, X-59 QueSST (Quiet Supersonic Technology) của NASA đã vượt qua cột mốc phát triển cuối cùng và đang chuẩn bị được lắp ráp để thử nghiệm chính thức. Dự kiến chuyến bay đầu tiên của X-59 sẽ được thực hiện vào năm 2021. Hiện X-59 đang được thiết kế và lắp ráp tại nhà máy Skunk Works của Lockheed Martin với bản hợp đồng trị giá 274.5 triệu USD giữa Lockheed Martin và NASA.
X-59 sẽ có khả năng bay ở độ cao 17,000 mét, tốc độ Mach 1.57 (1,512 km/h). Tuy nhiên, không như những máy bay vận tốc siêu thanh khác, tiếng nổ siêu thanh (sonic boom), sóng xung kích của chiếc máy bay va đập với không khí khi động cơ máy bay hoạt động đối với người nghe sẽ chỉ ở mức 75 decibel, nghĩa là cũng chỉ bằng tiếng đóng cửa xe hơi. NASA tuyên bố họ muốn giảm độ ồn của tiếng sonic boom trứ danh xuống chỉ còn dưới 70dB, từ đó giúp giảm ô nhiễm tiếng ồn tới mức tối đa.
Nhắc đến máy bay vận tốc siêu thanh thương mại, có lẽ không thể bỏ qua cái tên Concorde của Aérospatiale Pháp và BAC Anh hợp tác phát triển. Những chuyến bay vượt Đại Tây Dương, đưa 100 hành khách bay từ New York đến Paris chỉ trong 3.5 giờ với vận tốc 2,170 km/h (Mach 2.04) đã trở thành huyền thoại của ngành hàng không. Tuy nhiên sau tai nạn thương tâm vào ngày 25/07/2000 khiến British Airways cùng Air France đi đến kết luận ngừng khai thác Concorde.
Nhưng nó bị ngừng sử dụng thương mại hóa hoàn toàn không phải chỉ vì những vấn đề trong thiết kế chiếc máy bay, mà còn cả vì nguyên nhân thương mại. Để đặt chân lên chiếc Concorde, giá vé khứ hồi New York – London là 7,995 USD, tương đương 12,500 USD hiện nay, và mỗi chuyến bay cũng chỉ phục vụ được gần 100 hành khách. Nhận thấy khả năng sinh lời của Concorde không lý tưởng, cùng với cái nhìn không mấy thiện cảm của cộng đồng sau thảm họa năm 2000, British Airways và Air France quyết định cho Concorde nghỉ hưu vào ngày 24/10/2003.
Về phía Mỹ, họ cũng từng muốn ứng dụng máy bay siêu thanh để thương mại hóa với dự án máy bay SST, hay còn gọi là Boeing 2707 vào năm 1963. Mỹ muốn tạo ra một chiếc máy bay cạnh tranh với Concorde, chuyên chở được 250 hành khách so với 100 trên chiếc máy bay của Anh và Pháp, với vận tốc gần 3 lần vận tốc âm thanh. Những chuyến bay từ New York đến Los Angeles của Boeing 2707 được hoàn thành với thời gian dưới 2 giờ, so với 6.5 giờ như máy bay thương mại thông thường. Năm 1967, Mỹ có cả đoạn phim quảng bá dự án SST, máy bay siêu thanh thương mại hóa:
Nhưng dự án không khả thi vì bay từ bờ Đông sang bờ Tây là bay trên đất liền, và khi ấy sonic boom lên đến 105 dB đối với người ở dưới mặt đất, và bay trên đất liền ở tầm thấp ghi nhận chiếc máy bay SST khiến nhiều cửa kính của các tòa nhà nứt vỡ và đòi chính phủ bồi thường. Đến năm 1971, dự án SST bị cắt giảm ngân sách và bị hủy bỏ. 115 đơn đặt hàng không được hoàn thành, và ngay cả hai chiếc 2707 thử nghiệm cũng không được phát triển hoàn thiện. Hơn 40 năm sau, giấc mơ máy bay siêu thanh thương mại vẫn được ấp ủ.
- Từ khóa :
- NASA
- ,
- X-59
- ,
- Máy Bay Siêu Thanh
Gửi ý kiến của bạn