Tính đến tháng 12/2017, công cuộc chống chủ nghĩa khủng bố cực đoan của Facebook đã đạt được những thành công nhất định và cũng đầy hứa hẹn trong tương lai.
Trong những thập kỷ qua, Internet đã thực sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ, giúp người dùng trên toàn thế giới có thể kết nối với nhau dễ dàng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng lo ngại.
Dù Facebook và các công ty truyền thông khác luôn đặt ưu tiên phòng chống tội phạm công nghệ cao lên hàng đầu, họ vẫn phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối hơn rất nhiều: các nhóm khủng bố đã và đang sử dụng Internet như một công cụ đắc lực trong việc tuyên truyền, kích động và lôi kéo người khác đi theo tư tưởng cực đoan. Đáng chú ý hơn, các nhóm khủng bố không chỉ giới hạn phạm vi hoạt động trên một trang mạng xã hội duy nhất hay một phương tiện truyền thông nhất định. Mà thay vào đó, chúng luôn tìm nhiều cách khác nhau để phát tán các thông điệp ra ngoài.
Ngay cả khi các chính phủ, công ty và nhiều tổ chức phi lợi nhuận đã thực hiện nhiều chiến dịch mạnh mẽ chống lại khủng bố trực tuyến, họ vẫn chưa tìm ra phương án tối ưu nhất để loại bỏ hoàn toàn. Vấn nạn vẫn liên tục sinh sôi nảy nở trong mọi ngóc ngách của Internet theo nhiều cách khác nhau.
Tầm ảnh hưởng quá lớn của Facebook hiện đang khiến nhiều người phải đặt nghi vấn tại sao nền tảng với cơ sở dữ liệu người dùng khổng lồ lại không sử dụng công nghệ tiên tiến để ngăn chặn các hành vi bất chính. Và câu trả lời là: chỉ công nghệ thôi vẫn chưa đủ, cần kết hợp với cả nguồn nhân lực. Ngoài ra, để quá trình ngăn chặn sự lây lan của khủng bố trên diện rộng, sự hợp tác của Facebook với người dùng cũng như các tổ chức khác là cực kỳ quan trọng.
Hồi năm 2015, Facebook đã bắt đầu thảo luận với rất nhiều công ty công nghệ để tìm ra cách chống khủng bố tốt nhất trên nền tảng của hãng. Những vấn đề họ gặp phải tương đối giống nhau, bao gồm khó khăn trong việc xác định những nội dung khủng bố nhỏ lẻ trên các trang mạng xã hội quá rộng lớn, và làm thế nào để xem xét, xử lý chúng một các nhanh chóng, chính xác bất chấp rào cản về ngôn ngữ.
Trong một bài đăng hồi tháng 06/2017, Facebook đã miêu tả lại cách thức để vượt qua những trở ngại. Cụ thể, hãng đã đầu tư ngăn chặn các nội dung khủng bố ngay từ khi còn trong “thời kỳ thai nghén”, nhanh chóng phát hiện và xóa bỏ những bài đăng đã xuất hiện trên nền tảng của hãng.
Facebook cho biết: “Trước đây, chúng tôi dựa vào đội ngũ kiểm duyệt nội dung để kiểm tra và gỡ bỏ những gì vi phạm chính sách của chúng tôi. Nhưng hiện chúng tôi đang thử nghiệm cả trí tuệ nhân tạo (AI) cho nhiệm vụ. Facebook phải đối mặt với những khó khăn trong việc phát triển một công nghệ có thể hoạt động ổn định với nhiều loại phương tiện truyền thông khác nhau. Chẳng hạn như có những giải pháp chỉ có tác dụng với các bài đăng ảnh nhưng lại vô hiệu với video hay văn bản. Hay cùng một hình ảnh, AI không thể phân biệt được ảnh đó được đăng tải với mục đích tuyên truyền tư tưởng khủng bố hay để giáo dục, nâng cao ý thức cho cộng đồng người dùng”.
Facebook tiết lộ đã có bước đầu thành công cùng nghiên cứu mới của hãng. Dù mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên, nhưng những kết quả thu về lại rất khả quan. Hãng hy vọng AI sẽ trở thành một công cụ có vai trò quan trọng hơn trong sứ mệnh bảo vệ sự an toàn của Internet trên Facebook. Ngoài ra, vì AI chưa đạt đến độ phát triển tối ưu nhất, Facebook cũng không ngừng mở rộng quan hệ với nhiều công ty công nghệ, chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận để bài trừ tận gốc chủ nghĩa khổng bố trên Internet.
Việc sử dụng AI và các hệ thống tự động khác để ngăn chặn sự phát triển của các nội dung khủng bố đang mang đến những tín hiệu rất tích cực. Hiện có 99% những nội dung liên quan đến ISIS và Al Qaeda đều đã bị gỡ bỏ trước khi kịp xuất hiện trên Facebook. Thành công đến từ những hệ thống tự động như đối chiếu hình ảnh, video và một số kỹ thuật máy học machine learning dựa trên dữ liệu văn bản. Khi hệ thống phát hiện ra nội dung có tính chất khủng bố, Facebook đã xóa đến 83% những bài viết liên quan khác chỉ trong 1 giờ đầu tiên sau khi đăng tải.
Tuy nhiên, việc sử dụng AI để chống lại khủng bố trực tuyến không phải là chuyện một sớm một chiều. Tùy thuộc vào từng kỹ thuật, mỗi công ty cần giám sát chặt chẽ cơ sở dữ liệu của mình, hoặc sử dụng mã dữ liệu con người để huấn luyện cho hệ thống của họ.
1 hệ thống được thiết kế để nhận diện các nội dung khủng bố trong 1 nhóm chưa chắc sẽ hoạt động ổn định trong các nhóm khác, vì rào cản về ngôn ngữ và phong cách tuyên truyền khác nhau. Vì những trở ngại đó, Facebook đã tập trung những công nghệ, kỹ thuật tối tân nhất để giải quyết các mối đe dọa lớn có quy mô toàn cầu cả trên mạng lẫn ngoài đời thực, bao gồm ISIS và Al Qaeda. Hãng cũng hi vọng trong tương lai có thể mở rộng ứng dụng của các hệ thống tự động để phát hiện những nội dung từ các tổ chức khủng bố khu vực trên toàn thế giới.
Dù việc sử dụng AI để chống khủng bố đã mang lại những thành công nhất định, nhưng sẽ không thể hoàn thiện nếu không có sự giám sát và đánh giá từ các chuyên gia hàng đầu. Facebook luôn tận dụng nguồn nhân lực cả trong và ngoài công ty, cũng như những người có khả năng giải quyết chủ nghĩa cực đoan trên Internet.
Mùa hè 2017, Facebook đã thành lập Diễn đàn chống khủng bố Internet toàn cầu GIFCT với sự tham gia của rất nhiều tên tuổi lớn, chẳng hạn như Microsoft, Twitter và YouTube... nhằm triển khai kế hoạch dài hạn để chống lại những tư tưởng cực đoan. Vì các tổ chức khủng bố sẽ sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tiếp cận người dùng online, nên Facebook đã hợp tác với các công ty công nghệ nhỏ trên toàn thế giới để chia sẻ thông tin và ngăn chặn hành động của chúng. GIFCT hiện đã kết nối hơn 50 tổ chức công nghệ thông qua 3 phiên làm việc trên quy mô quốc tế.
Nhiệm vụ của GIFCT bao gồm phát triển và mở rộng cơ sở dữ liệu do Diễn đàn Internet EU cung cấp vào tháng 12/2016, tiếp nhận và chia sẻ thông tin về những “dấu vân tay” kỹ thuật số của các phương tiện truyền thông khủng bố từ nhiều công ty khác. Nhờ đó, họ có thể phát hiện và ngăn chặn hành vi tải lên hay tuyên truyền những tư tưởng nội dung cực đoan.
Thông qua GIFCT, Facebook cũng đã hợp tác với các chính phủ trên toàn thế giới, và chuẩn bị tiến hành nghiên cứu phương thức giúp chính phủ cùng những công ty công nghệ cao và nhiều tổ chức xã hội dân sự giải quyết triệt để vấn nạn khủng bố cực đoan.
Không chỉ tăng cường quan hệ bên ngoài, Facebook còn không ngừng nâng cao nguồn nhân lực bên trong, bao gồm các nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu, cựu nhân viên hành pháp và cả các chuyên gia phân tích tình báo, tất cả đều là những người có chuyên môn và kinh nghiệm về các nhóm khủng bố khu vực trên toàn thế giới.
Với chiến thuật “nội ứng ngoại hợp”, quá trình phát hiện những thay đổi trong đường lối hoạt động trên Internet của các tổ chức khủng bố sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều. Chẳng hạn như, Facebook đã mở rộng quan hệ với rất nhiều đối tác như Flashpoint, Viện Nghiên cứu truyền thông Trung Đông MEMRI, nhóm SITE Intelligence và Đại học Alabama tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu pháp y vi tính ở Birmingham. Các tổ chức sẽ phát hiện, báo cáo các tài khoản cá nhân hay nhóm công cộng có dấu hiệu khủng bố để Facebook xem xét và kịp thời xử lý. Ngoài ra, họ cũng gửi những hình ảnh và video liên quan đến ISIS hay Al Qaeda trên các trang khác để Facebook có thể chạy thuật toán đối chiếu và ngăn chặn những nội dung tương tự được đăng tải lên nền tảng của mình.
Nhìn chung, Facebook đã hợp tác với nhiều chính phủ cũng như các cơ quan pháp luật, và luôn có đội ngũ túc trực 24/7 để tiếp nhận những báo cáo về những mối đe dọa khẩn cấp được phát hiện. Trong nhiều năm, Facebook cũng rất tích cực hỗ trợ các chính quyền trên toàn thế giới với chung mục tiêu chống lại chủ nghĩa khủng bố và đạt được một số thành công nhất định. Ở một số nơi, các cơ quan luật pháp đã có thể dập tắt những vụ tấn công cảm tử và ngăn ngừa thiệt hại có thể xảy ra.
Với chiến dịch phát triển AI để chống khủng bố kết hợp chuyên môn từ các chuyên gia hàng đầu và tăng cường quan hệ đối ngoại, Facebook tự tin có thể làm nhiều hơn những gì đã đạt được. Ngoài ra, hãng cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển công nghệ mới và mở rộng kết nối hơn nữa để đối mặt với thách thức toàn cầu.
Gửi ý kiến của bạn